Nước trên sao Hỏa có uống được không?

"Nước trên sao Hỏa có uống được không" là một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất thời gian gần đây.

Nước trên sao Hỏa liệu có uống được?

Trong nhiều năm, các khoa học gia tin rằng Trái đất của chúng ta là “độc nhất vô nhị” trong hệ Mặt trời do có thể duy trì nước ở trạng thái lỏng. Chính vì thế, sự kiện NASA công bố tồn tại nước dạng lỏng trên sao Hỏa vừa qua đã gây chấn động không chỉ cho giới khoa học, mà cho người dân trên toàn thế giới.


Việc phát hiện dấu vết của nước lỏng trên sao Hỏa đã gây chấn động cho toàn thế giới.

Một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất đó là: “Nước này có thể uống được không?”. Câu trả lời là CÓ, nhưng mọi chuyện phức tạp hơn câu trả lời này rất nhiều.

Theo những gì đã công bố, nước thực sự không “chảy” trên bề mặt sao Hỏa, mà chỉ rỉ qua lớp đất. Các khoa học gia cho biết, kết quả từ những cuộc thám hiểm bằng robot tự hành Curiosity trước đó đã cho thấy đất trên sao Hỏa có chứa rất nhiều muối perchlorate. Chính lớp muối này đã giúp cho nước trên sao Hỏa tồn tại ở dạng lỏng.


Robot tự hành tối tân nhất hiện nay của Trái đất - Curiosity.

Môi trường trên sao Hỏa rất khắc nghiệt, với nhiệt độ thường xuyên ở mức âm. Do đó, nước tinh khiết sẽ không thể tồn tại ở đây. Tuy nhiên, muối đã thay đổi nhiệt độ đóng băng và nhiệt độ bay hơi của nước, do đó hỗn hợp nước muối có thể tồn tại ở dạng lỏng.

Vì thế nếu các phi hành gia tiếp cận được sao Hỏa, họ sẽ KHÔNG THỂ uống trực tiếp được lượng nước này. Thay vào đó, chúng ta cần tìm một nguồn nước có thể uống được khác trên sao Hỏa – thứ đã được chứng minh là có thực.


Chúng ta cần tìm một nguồn nước khác trên sao Hỏa.

Theo Jim Green - Giám đốc bộ phận khoa học hành tinh tại NASA, vấn đề ở đây sẽ là tìm ra nguồn nước uống được nằm dưới bề mặt sao Hỏa. Dựa trên những dữ liệu thu thập được, các khoa học gia tin rằng đâu đó dưới bề mặt sao Hỏa có nước. Chúng ta chỉ chưa xác định được chúng ở đâu và có trữ lượng là bao nhiêu thôi.

Green cho rằng, cơ hội khám phá ra điều này sẽ đến vào năm 2020, khi robot tự hành thế hệ mới nhất hạ cánh trên sao Hỏa. Robot này sẽ được trang bị radar quét lòng đất, cho phép phân tích kỹ đến từng centimet cấu trúc địa chất của sao Hỏa. Radar này sẽ giúp chúng ta tìm kiếm nguồn nước uống được trên hành tinh Đỏ.


Thiết kế robot tự hành Mars Rover 2020.

Tuy nhiên, robot tự hành lần này sẽ được trang bị hệ thống năng lượng hạt nhân, do đó các khoa học gia phải rất cẩn thận khi lựa chọn địa điểm hạ cánh.

Họ sẽ phải chọn những khu vực tránh xa nước lỏng, hoặc những nơi có tiềm năng duy trì sự sống. Đây là quy trình an toàn bắt buộc, đề phòng rủi ro cháy nổ khi hạ cánh.


Các khoa học gia hi vọng rằng sẽ sớm tìm thấy nguồn nước uống được, mở ra hi vọng cho dự án đưa con người lên sao Hỏa trong tương lai.

Các nhà khoa học tại NASA rất kỳ vọng vào chuyến thám hiểm năm 2020 tới đây. Họ hy vọng lần này sẽ xác định được nguồn nước trên sao Hỏa, đồng thời có thể thử nghiệm công nghệ phục vụ cho dự án đưa con người lên sao Hỏa trong tương lai.

Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video