Hàm lượng benzen trong môi trường ở TP.HCM cao... 6,72 lần tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Các nhà khoa học hoài nghi, có thể liên quan tới xăng dầu?
Ngày 17/1, Nhà văn hoá khoa học và Hội Hoá học TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo về vấn đề chất lượng xăng dầu và ô nhiễm môi trường.
Cây xăng (Ảnh: VietNamNet) |
Theo GS-TSKH Hồ Sĩ Thoảng, ở các nước phát triển, chì đã không còn được sử dụng làm chất phụ gia trong xăng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Các hợp chất chứa oxygen dần được thay thế chì...
Chì độc... thay chì bằng chất khác, vẫn độc!
Trong đó, hợp chất methylter-butyl ether (MTBE) được ưa chuộng hơn cả vì nó được sản xuất từ những sản phẩm phụ của công nghiệp chế biến dầu.
Tuy nhiên, đến cuối thập kỷ 1990, MTBE bị báo động là hợp chất có khả năng gây bệnh cho người, đặc biệt là bệnh ung thư.
Mặc dù chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về tác động của MTBE lên sức khoẻ con người, nhưng kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy, nếu hít thở thường xuyên dẫn đến ung thư thận, tinh hoàn và bệnh bạch cầu.
Ngoài khả năng lan toả trong môi trường, MTBE còn thấm vào đất đi vào mạch nước ngầm... Ngoài ra, MTBE là một chất không phân huỷ sinh học và có khả năng lắng đọng. Vì vậy, một số bang ở Mỹ đã cấm sử dụng MTBE là chất phụ gia trong xăng và xu hướng cấm sử dụng hợp chất này đang lan rộng.
Xăng dầu nhập khẩu dùng phụ gia gì?
Vấn đề được đặt ra là các loại xăng đang sử dụng ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng có sử dụng MTBE làm chất phụ gia hay không?
Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Ô-tô và thiết bị động lực - thì cho đến hiện nay, các loại xăng ở Việt Nam sử dụng chất phụ gia gì để thay thế chì vẫn còn là một câu hỏi lớn. Bởi theo ông Ninh, công ty xăng dầu không công bố điều này.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh cũng dẫn một nguồn tin trên báo chí cho biết, nhiên liệu mà Việt Nam đang sử dụng là loại nhiên liệu giá rẻ, có lượng lưu huỳnh rất cao. Thậm chí là cao nhất thế giới, lượng lưu huỳnh lên đến 1.500ppm, còn đối với dầu, lượng lưu huỳnh lên đến 5.000ppm.
Trong khi đó, ở Châu Âu, lượng lưu huỳnh chỉ ở mức 30ppm. Đối với lượng benzen trong xăng dầu, theo tiêu chuẩn Việt Nam năm 2000 là 5%. Trong khi đó ở Châu Âu, hàm lượng benzen cho phép ở mức 1%.
Cũng theo các nhà khoa học, việc không công bố chất lượng xăng dầu là một bí mật không đáng có, bởi người tiêu dùng có quyền được biết mình đang sử dụng loại xăng nào và nó có tác hại như thế nào đối với sức khoẻ con người cũng như môi trường.
TP.HCM: Benzen trong không khí... quá cao!
Trong khuôn khổ hội thảo chất lượng xăng dầu và ô nhiễm môi trường, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm công bố một kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về tình hình ô nhiễm benzen, toluen, xylen trong không khí trên địa bàn thành phố. Kết quả nghiên cứu dựa trên việc lấy mẫu trên một số trục đường giao thông chính tại thành phố.
Theo đó, nồng độ benzen trung bình là 33,6mcg/m3 không khí, cao gấp 6,72 lần tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Nếu dựa vào kết quả này để tính toán nguy cơ mắc bệnh bạch cầu khi phơi nhiễm benzen trong không khí cao gấp 5,4 lần giá trị chấp nhận tối đa (1mcg/m3).
Điều này đồng nghĩa với việc đã có dấu hiệu báo động ô nhiễm benzen trong không khí ven các trục đường giao thông chính của TP Hồ Chí Minh. Cũng theo tính toán của các nhà khoa học thì cảnh sát giao thông có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao gấp 540 lần so với người không bị phơi nhiễm benzen.