Cùng với Hà Nội, TP.HCM đang nằm trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm không khí của khu vực châu Á và thế giới, theo xếp hạng trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới.
Vấn đề bụi bẩn, ô nhiễm không khí đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết nhưng mức độ quan tâm của công luận, như theo nhiều chuyên gia về môi trường thì vẫn còn ở mức “dưới trung bình”.
Bài 1: Bản sao Bangkok
90% mẫu kiểm tra không khí không đạt tiêu chuẩn cho phép, luôn ở mức nguy hại cao cho sức khỏe, trong đó lượng bụi lơ lửng đang là nhân tố gây ô nhiễm nghiêm trọng hàng đầu trên địa bàn. Nồng độ các chất bụi, ozôn, nitơ, lưu huỳnh… đều tăng từ 1 đến gần 3 lần.
Đánh giá về mức độ ô nhiễm không khí hiện nay tại TP.HCM, Phó GS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên – Môi trường, người đã nghiên cứu chất lượng không khí trong suốt gần 10 năm qua báo động: TP.HCM đang là một Bangkok (Thái Lan) của 20 năm trước.
Chỉ số nào cũng tăng cao“
Có một thời, không khí ở Bangkok chứa đầy bụi, chì và các hóa chất độc hại. Bầu trời thì đầy khói đen từ các ống khói xe hơi, xe máy. Bây giờ tất cả những hình ảnh trên đều chuyển sang TP.HCM và Hà Nội. Chúng ta là tấm gương phản chiếu của Bangkok những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, ông Tuấn so sánh.
Qua nghiên cứu, nguồn phát thải ô nhiễm không khí chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến tình trạng số lượng nguồn thải tăng lên không ngừng do sự gia tăng ồ ạt các phương tiện xe máy và sự ra đời ngày một nhiều của các cơ sở sản xuất công nghiệp. Về chất lượng, hầu hết các nguồn thải không được kiểm soát để đạt được tiêu chuẩn phát thải: 100% xe máy chưa được kiểm soát, chỉ có khoảng 15% các cơ sở sản xuất công nghiệp có phát thải chất gây ô nhiễm không khí có lắp đặt hệ thống xử lý khí thải.
Sự gia tăng phương tiện đi lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí.
Kết quả các nghiên cứu của ông Tuấn cũng phù hợp với kết quả đo đạc khí thải do Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT TP.HCM tiến hành gần đây. Cụ thể, 90% mẫu kiểm tra không khí không đạt tiêu chuẩn cho phép, luôn ở mức nguy hại cao cho sức khỏe, trong đó lượng bụi lơ lửng đang là nhân tố gây ô nhiễm nghiêm trọng hàng đầu trên địa bàn.
Nồng độ các chất bụi, ozôn, nitơ, lưu huỳnh… đều tăng từ 1 đến gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2010. Các chỉ số khác như chì, benzen, tiếng ồn tại nhiều tuyến đường có đặt thiết bị quan trắc trên địa bàn thành phố cũng đang có dấu hiệu tăng lên so với một năm trước. Trong đó, đáng báo động là hàm lượng chì tăng lên 2,2 lần, nồng độ benzen tăng 1,4 lần tại cả 8 trạm quan trắc - đặt rải rác tại các khu vực dân cư.
Ngoài ra, nồng độ NO2 đo đạc được tại các trạm quan trắc cũng cho thấy chỉ số này cũng vượt tiêu chuẩn cho phép( thường dao động ở mức 0,19 - 0,34mg/m³) và đang có biểu hiện gia tăng tần suất lần đo bị vượt chuẩn khi có đến 68%.
Thủ phạm chính: giao thông và công nghiệp
Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường – Đại học Công nghiệp TP.HCM, hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM có trên dưới 5 triệu xe cơ giới lưu thông chủ yếu theo các trục đường chính của khu vực 500km² nội thành đã làm cho nồng độ ô nhiễm không khí càng nghiêm trọng hơn.
“Kẹt xe thường xuyên, liên tục cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm. Khí thải phát ra ở tầm thấp, tập trung trong vực đông dân cư. Đó là chưa kể tình trạng đất đá rơi rớt từ các xe tải, ở các đoạn đường thi công dở dang vật liệu xây dựng và đất đá tấp đầy hai bên đường bị mưa cuốn trôi xuống lòng đường cũng là nguyên nhân khiến tình trạng khói bụi thêm trầm trọng”, ông Bá nói.
Có một dạo, lá cây xung quanh khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) đồng loạt bị đổi màu thành trắng toát, nhiều khu vực lá cây bị vàng khô hoặc đỏ làm cho người dân địa phương rất hoang mang. Giải thích về vấn đề này, GS.TS khoa học Lê Huy Bá cho biết đó là ảnh hưởng bởi bụi, khói từ các nhà máy, lò nung vôi, gạch... của khu công nghiệp.
Các khí độc CO2, H2S, CO gây độc thường làm táp khô vàng úa lá. “Thành phố hiện vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó rất nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chưa trang bị hệ thống xử lý khí thải, khói bụị. Chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị lớn nhất nước đã giảm đi khá nhiều.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, trong 10 năm nữa, e rằng chúng ta có muốn cứu bầu không khí cũng đã muộn rồi”, ông Bá nhấn mạnh.