Các chuyên gia cảnh báo rằng ô nhiễm không khí trong nhà đang ở mức đáng báo động, khi có tới 70% số người được hỏi trong một khảo sát phàn nàn về không khí tại nơi họ ở.
Thạc sĩ Nguyễn Trinh Hương thuộc Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động Việt Nam cho biết nếu xét về mức độ tác động về sức khỏe con người so với các loại ô nhiễm khác, thì ô nhiễm không khí trong nhà có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Phát biểu này được đưa ra tại một hội nghị khoa học về ô nhiễm không khí đô thị, diễn ra hôm thứ bảy.
Việc đun nấu là một trong những nguồn quan trọng gây ô nhiễm không khí trong nhà.
(Ảnh minh họa).
Hiện ở Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về sự nguy hại của ô nhiễm không khí trong nhà. Theo bà Hương, trong các yếu tố nguy cơ tác động đến sức khỏe người lao động như bụi, hơi khí độc, hóa chất, vi sinh, tiếng ồn, rung động, gánh nặng, và tư thế lao động… thì nhóm yếu tố gây ô nhiễm môi trường nơi làm việc ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe. Nhóm yếu tố này gồm bụi, hơi khí hộc, hơi hóa chất.
Kết quả điều tra tại 10 chung cư Hà Nội của Trung tâm khoa học môi trường và phát triển Bền vững cho thấy, hơn 70% số người phàn nàn về ô nhiễm không khí nơi họ ở.
Trung tâm cũng tiến hành điều tra tại hai tòa cao ốc ở Việt Nam thập niên 2000, thấy nhiều người có triệu chứng mần ngứa, mệt mỏi. Các triệu chứng này mất đi nếu những người làm việc trong đó nghỉ cuối tuần hoặc nghỉ phép dài ngày.
Thông thường, mức độ ô nhiễm không khí trong nhà cao gấp 2-5 lần so với ngoài trời, theo một nghiên cứu của Mỹ. Gần đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Trung Quốc vừa công bố một báo cáo về tác động của tình trạng ô nhiễm không khí, cho thấy mức độ ô nhiễm không khí trong nhà thậm chí còn lớn gấp 5-10 lần so với không khí ngoài trời.
Tổ chức Y tế thế giới cũng cho biết, ô nhiễm không khí trong nhà được đánh giá là vấn đề nghiêm trọng nhất, vì có tới 80% hoạt động của con người diễn ra trong nhà.
Tại môi trường lao động công nghiệp, ô nhiễm không khí có thể gây ra một số bệnh nghề nghiệp như bụi phổi silic, bụi phổi bông, lao phổi, trong đó bệnh bụi phổi silic có thể chiếm tới 74,5% số tích lũy bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí đô thị làm khoảng 800.000 người chết và 4,6 triệu người giảm tuổi thọ trên thế giới mỗi năm. 2/3 số người chết và giảm tuổi thọ do ô nhiễm không khí thuộc các nước đang phát triển ở châu Á.