Nhóm các kỹ sư thuộc Đại học Rochester (Mỹ) vừa ra mắt một chương trình máy tính mới có khả năng đánh giá cảm xúc của người dùng dựa vào biến tố của giọng nói. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Na Yang, chương trình này là một dạng ứng dụng điện thoại thông minh hiển thị bộ mặt vui hoặc buồn và được giới thiệu tại Hội thảo của Hiệp hội Kỹ sư Điện - Điện tử Quốc tế (IEEE) 2012 về công nghệ diễn đạt bằng lời nói từ ngày 2 đến ngày 5/12.
Na Yang cho biết công nghệ mới có thể tạo ra một ứng dụng dùng cho mọi việc, từ thay đổi màu sắc trên màn hình điện thoại đến điều chỉnh nhạc chuông phù hợp với tâm trạng của người dùng. Theo đó, ứng dụng sẽ phân tích phần ghi âm giọng nói dựa trên 12 đặc điểm của tiếng nói, bao gồm cường độ và âm lượng, để nhận biết 6 kiểu cảm xúc khác nhau như "vui", "buồn", "hạnh phúc", "lo sợ", "giận dữ" hoặc "bình thường". Khi hoạt động, ứng dụng sẽ phân tích đoạn ghi âm giọng nói mới của người sử dụng và cố gắng phân loại cảm xúc mà nó đã được lập trình. Nếu chương trình không thể phân biệt giữa hai hoặc nhiều cảm xúc, nó sẽ đánh dấu phần ghi âm đó là "chưa được phân loại".
Theo các nhà nghiên cứu, chương trình "đọc" cảm xúc đạt độ chính xác tới 81%, cao hơn mức 55% của những phần mềm trước đây. Tuy nhiên, hạn chế của nó là nếu giọng nói mới khác với giọng nói được lập trình sẵn thì độ chính xác sẽ giảm còn 30%. Để khắc phục, nhóm nghiên cứu cho biết có lẽ họ phải tạo ra nhiều chương trình tương thích với từng nhóm đối tượng có cùng độ tuổi và giới tính.