Xác ướp được cho thuộc về Sa-Nakht, pharaoh Ai Cập cổ đại, có thể là "người khổng lồ" cổ xưa nhất.
Bộ xương đàn ông tìm thấy năm 1901 trong một ngôi mộ gần Beit Khallaf, Ai Cập, với chiều cao lên tới 1,987 mét, có thể thuộc về Sa-Nakht, pharaoh ở Vương triều thứ ba vào khoảng năm 2700 trước Công nguyên, theo Michael Habicht, nhà Ai Cập học ở Viện Y học tiến hóa thuộc Đại học Zurich, Thụy Sỹ. Các nghiên cứu trước đây cho thấy chiều cao trung bình của đàn ông ở thời kỳ này chỉ khoảng 1,7 mét, Live Science đưa tin.
Hộp sọ thuộc hài cốt pharaoh Sa-Nakht.
Các vị vua ở Ai Cập cổ đại nhiều khả năng có chế độ ăn uống đầy đủ hơn và sức khỏe tốt hơn so với dân thường, do đó kích thước cơ thể họ cũng lớn học mức trung bình. Bộ hài cốt gần hai mét mà các nhà khoa học phân tích lớn hơn rất nhiều so với Ramsses II, pharaoh Ai Cập cao nhất được ghi nhận, người sống sau Sa-Nakht hơn 1.000 năm và chỉ cao 1,75 mét.
Trong nghiên cứu đăng đầu tháng 8 trên tạp chí The Lancet Diabetes & Endocrinology, Habicht phân tích lại hộp sọ và bộ xương của Sa-Nakht. Những chiếc xương dài cung cấp bằng chứng về sự phát triển vượt trội, dấu hiệu rõ ràng của bệnh khổng lồ (gigantism). Phát hiện chỉ ra vị pharaoh Ai Cập là trường hợp lâu đời nhất mắc chứng bệnh này trên thế giới. Không có thành viên nào khác trong hoàng gia Ai Cập có cơ thể cao lớn như vậy.
"Nghiên cứu quá trình tiến hóa của căn bệnh rất quan trọng đối với y học ngày nay", Habicht nói.