Các nhà khoa học Pháp đã phát triển một kỹ thuật có thể thu năng lượng từ các giọt mưa và biến nó thành điện năng. Công nghệ này cũng có thể có ích trong các hệ thống điều hòa không khí công nghiệp, nơi nước ngưng tụ và rơi thành giọt giống như mưa.
"Tính toán của chúng tôi cho thấy ngay cả trong điều kiện bất lợi nhất, năng lượng của các hạt mưa cũng đủ mạnh để chạy các thiết bị tiêu thụ ít điện", Romain Guigon, một nhà nghiên cứu Pháp và là kỹ sư phát triển tại Viện nghiên cứu CEA Leti-Minatec ở Grenoble cho biết.
Mặc dù năng lượng của hạt mưa là nhỏ so với mặt trời, nhưng nhóm nghiên cứu cho biết điều đó không thành vấn đề. Hệ thống mới có thể được dùng ở nơi khó khai thác ánh mặt trời hoặc kết hợp với các công nghệ khác.
Phương pháp này dựa trên một loại nhựa gọi là PVDF (polyvinylidene difluoride), sử dụng trong nhiều sản phẩm như các ống nước, màng phim. PVDF có đặc tính áp điện kỳ lạ, nó có thể tạo ra một điện tích khi bị biến dạng cơ học.
Guigon và cộng sự đã gắn các điện cực vào một màng PVDF mỏng, chỉ dày 25 micromét. Sau đó họ "dội bom" cho màng bằng những giọt nước có đường kính từ 1 đến 5 milimét. Khi các hạt nước chạm vào vật liệu, chúng tạo ra dao động, sinh ra điện tích. Các điện cực thu nạp điện tích này để biến thành điện năng. Tất nhiên, những hạt lớn nhất sẽ tạo ra dao động mạnh nhất. Các nhà nghiên cứu tìm thấy hệ thống có thể sinh ra 12 miliwatt từ những hạt lớn nhất và sinh ra ít nhất 1 microwatt điện liên tục.
Việc tiếp theo của các nhà nghiên cứu là xác định hiệu quả của loại năng lượng này khi dùng cho các thiết bị điện.
Phòng thí nghiệm nghiên cứu năng lượng của các giọt mưa. (Ảnh: inhabitat) |