Các nhà thiên văn học đã tìm thấy 3 mặt trăng chưa từng được biết đến trong Hệ Mặt trời, gồm 2 mặt trăng quay quanh sao Hải Vương (hành tinh thứ 8 trong Hệ Mặt trời) và 1 mặt trăng quay quanh sao Thiên Vương (hành tinh thứ 7 trong Hệ Mặt trời).
Các mặt trăng nhỏ nằm xa các hành tinh đã được phát hiện bằng các kính viễn vọng mạnh mẽ ở Hawaii và Chile và được Trung tâm tiểu hành tinh của Liên đoàn Thiên văn quốc tế (IAU) công bố hôm 23/2.
Quỹ đạo một số mặt trăng của sao Hải Vương. (Nguồn: NASA/ESA).
Với phát hiện mới nhất, cho đến nay sao Hải Vương có 16 mặt trăng đã được biết đến trong khi con số này của sao Thiên Vương là 28.
Một trong những mặt trăng mới của sao Hải Vương có hành trình quỹ đạo dài nhất được biết đến.
Kích cỡ của Trái đất so với sao Thiên Vương. (Nguồn: NASA).
Nhà thiên văn học tại Viện Khoa học Carnegie ở Washington, Mỹ, Scott Sheppard, người tham gia trong nhóm các nhà khoa học thực hiện khám phá này, cho biết, phải mất khoảng 27 năm để mặt trăng hoàn thành một vòng quanh sao Hải Vương, hành tinh băng giá khổng lồ xa Mặt trời nhất.
Trong khi mặt trăng mới phát hiện của sao Thiên Vương có đường kính ước tính chỉ 8km, có thể là mặt trăng nhỏ nhất của các hành tinh trong Hệ Mặt trời.
Miranda, một mặt trăng của sao Thiên Vương, có đường kính 470 km, là một trong những vật thể nhỏ nhất trong Hệ Mặt Trời có dạng cầu. (Nguồn: NASA/ JPL/ Ted Stryk).
“Chúng tôi nghĩ rằng có thể còn nhiều mặt trăng nhỏ hơn nữa chưa được khám phá trong Hệ Mặt trời”, nhà thiên văn học tại Scott Sheppard lưu ý.
Vào tháng 9/2003, IAU đã công bố việc phát hiện 2 mặt trăng vào loại nhỏ nhất được tìm thấy xung quanh sao Thiên Vương. Các mặt trăng mới có đường kính 12-16km, được phát hiện bởi Kính viễn vọng Không gian Hubble của NASA.