Giới khảo cổ vừa phát hiện một hóa thạch bọ cạp 350 triệu năm tuổi ở Nam Phi, được xem là hóa thạch động vật cổ xưa nhất từng sống trên lục địa cổ Gondwana.
Chiếc càng hóa thạch của bọ cạp 350 triệu năm tuổi ở Nam Phi. (Ảnh: University of Witwatersrand)
Phát hiện này được đăng trên tạp chí African Invertebrate. Loài bọ cạp cổ này được đặt tên khoa học là Gondwanascorpio emzantsiensis. Nó cung cấp những manh mối về sự phát triển của sự sống khi lục địa cổ Gondwana bắt đầu phân tách và tạo nên bề mặt trái đất như ngày nay. Theo nhóm khảo cổ, hóa thạch này là bằng chứng sớm nhất của những loài động vật trên lục địa Gondwana, một lục địa lớn bao gồm châu Phi, châu Mỹ, Bắc Cực, bán đảo Ả rập, bán đảo Ấn Độ và lục địa Australia.
Ông Robert Gess, một nhà nghiên cứu tiến hóa tại đại học Witwatersrand (Nam Phi) là người đã phát hiện hóa thạch của loài bọ cạp. Mẫu hóa thạch này có chiếc càng lớn trong đá ở gần Grahamstown, tỉnh đông Cape, Nam Phi. Ông cho biết những loài ăn thịt không xương như bọ cạp, nhện hoặc một số loài côn trùng nguyên thủy đã có mặt rất sớm vào kỷ Silur khoảng 416 triệu năm trước đây.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có những bằng chứng cụ thể để khẳng định những loài động vật không xương sống có tồn tại ở lục địa cổ Gondwana vào thời điểm đó.
Ông Robert Gess cho biết thêm, lục địa cổ Gondwana vào cuối kỷ Devon (khoảng 400 triệu năm trước) đã có một hệ sinh thái trên cạn phức tạp bao gồm nhiều loài động, thực vật trong đó có những loài động vật có xương sống đầu tiên trên trái đất.