1 hợp đồng hôn nhân có từ 4.000 năm trước ở Thổ Nhĩ Kỳ quy định chi tiết nghĩa vụ của vợ và chồng, bao gồm cả tình huống… mang thai hộ.
Nhóm khảo cổ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu bởi GS Christopher Woods (Đại học Chicago, Mỹ) đã tìm thấy và nghiên cứu về một văn tự cổ trên đá được khai quật ở Thổ Nghĩ Kỳ. Qua đó, nhóm phát hiện đây là 1 hợp đồng hôn nhân được ký kết từ 4.000 năm trước.
Hợp đồng hôn nhân 4.000 năm trước được viết bằng chữ tượng hình trên đá - (ẢNH: BẢO TÀNG KHẢO CỔ HỌC ISTANBUL).
Trong khi vấn đề hợp đồng hôn nhân hiện tại vẫn gây tranh cãi tại một số quốc gia thì người xưa đã tỏ ra rất rạch ròi trong chuyện kết hôn. Theo bài báo vừa được công bố trên tạp chí khoa học Gynecological Endocrinology,bản hợp đồng thậm chí quy định rõ: nếu trong hai năm, người phụ nữ không thể sinh con, người chồng được phép nhờ một nữ nô lệ "mang thai hộ".
Tất nhiên, vì thời đó không thể có thụ tinh trong ống nghiệm, nên người chồng được phép tạm sống chung với nữ nô lệ để có con.
Tuy nhiên, sau khi nữ nô lệ sinh con đầu lòng, cô ta phải lập tức được giải phóng khỏi đời nô lệ và có thể tự do rời khỏi nhà, đứa con mặc nhiên là con của người chồng và người vợ chính thức, tương tự các hợp đồng mang thai hộ thời hiện đại.
Nơi văn tự cổ được phát hiện - (Ảnh: DAILY MAIL).
Viên đá này thuộc về một cặp vợ chồng sống trong thời Đế chế Assyrian, thuộc nền văn minh Mesopotamian rực rỡ của châu Á cổ đại. Hiện tại, khu vực khai quật thuộc quận Kültepe, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, người ta cũng khai quật được khá nhiều văn tự cổ khác, ghi nhận lại các giao dịch kinh tế, có tuổi đời xưa nhất là 5.500 năm trước công nguyên, cũng từ các thành phố thuộc nền văn minh Mesopotamian. Đó là các quả cầu bằng đá được sử dụng như phong bì, bên trong rỗng và chứa nhiều văn bản đá hình dạng khác nhau.
"Phong bì" đầu tiên của nhân loại - (Ảnh: ĐẠI HỌC CHICAGO).
"Các quả cầu này đại diện cho hệ thống lưu trữ dữ liệu đầu tiên của thế giới" - GS Christopher Woods cho biết.