Các nhà khảo cổ Trung Quốc mới đây đã tìm được một hũ đồng cổ có tuổi đời 2.000 năm tuổi trong một ngôi mộ cổ có chứa một loại rượu đặc biệt tuổi đời tương đương.
Theo thông tin từ tờ Tân Hoa Xã, nhóm các nhà khảo cổ đã phát hiện ra gần 4 lít chất lỏng màu vàng trong kì lạ trong một hũ đồng thuộc một ngôi mộ có xuất xứ từ thời Tây Hán thuộc tỉnh Hà Nam vào khoảng năm 202 – 8 trước Công Nguyên.
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc vừa phát hiện loại rượu có tuổi đời 2.000 năm tại quốc gia này. (Ảnh minh hoạ).
Vấn đề khiến các nhà khoa học chú ý đó là chất lỏng đặc biệt này có mùi thơm của rượu. Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học thậm chí nhận thấy chất lỏng này có mùi thơm như của rượu vang.
Shi Jiazhen, người đứng đầu Viện nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ học ở thành phố Lạc Dương cho biết, hiện các nhà khoa học đã thực hiện các thử nghiệm tiếp theo sẽ tiết lộ bản chất thực sự của chất lỏng được tìm thấy.
Bên cạnh đó, trong khu di chỉ được tìm thấy còn có nhiều chậu đất sét và các đồ tạo tác bằng đồng, cũng như dấu vết khác của người cổ đại.
Trước đó, vào hồi tháng 3/2018, các nhà khoa học đã phát hiện ra những dấu vết của việc người Trung Quốc cổ đã biết sản xuất rượu.
"Loại rượu chúng tôi tìm thấy có màu trắng sữa. Các xét nghiệm sau đó cho thấy nó bao gồm các chất axit amin có hàm lượng cao và một lượng nhỏ protein và axit béo tương tự như rượu gạo mà chúng ta uống ngày nay”, Zhang Yanglizheng nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Thiểm Tây cho biết.
Chiếc ấm đựng rượu là một vật cúng tế, nằm lẫn trong 260 đồ tạo tác khai quật từ ngôi mộ của một người dân bình thường dưới thời nhà Tần (năm 221 - 207 trước Công nguyên).
Với những bằng chứng mới vừa được phát hiện, các nhà nghiên cứu cho rằng nó đang làm thay đổi sự hiểu biết của các nhà khoa học hiện đại về Trung Quốc thời cổ đại trước đây.