Trong một phân tích về ngôn ngữ mới công bố khẳng định, Neil Armstrong đã bỏ chữ “a” trong câu nói nổi tiếng của mình khi đặt chân lên Mặt Trăng năm 1969. Đáng lẽ ra câu nói của Armstrong là: “One small step for a man”.
Trên thực tế, đoạn băng ghi âm đầy đủ câu nói của Armstrong chỉ là: “One small step for man. One giant leap for mankind”. Xét về ngữ pháp, Armstrong đã sai khi bỏ đi mạo từ "a". Về việc này, Armstrong giải thích rằng, ông đã nói là “a man” chứ không phải “man” như trong băng ghi âm.
Trước đó, các nhà nghiên cứu cho rằng Neil Armstrong “định” nói “a man” nhưng do áp lực không khí nên chữ “a” đã biến mất. Và họ khẳng định mặc dù cụm từ đó không hoàn toàn chính xác về mặt ngữ pháp nhưng nó vẫn chứa đựng “chất thơ”.
So về mặt nhịp điệu và đối xứng thì câu nói đó đã “bắt” được khoảnh khắc “thiên anh hùng ca” trong lịch sử loài người một cách hoàn hảo. Cũng có bằng chứng mới cho rằng, câu nói đầy “thi vị” này là tự phát chứ không phải theo “kịch bản” có sẵn của NASA hay Nhà Trắng.
Giải thích về sự không nhất quán này có hai giả thiết, một là tĩnh điện chuyển hóa đã “xóa” mất chữ “a”, hai là chất giọng Ohio của Armstrong phát âm tương đối nhẹ mạo từ.
Tàu "Eagle" thực hiện cuộc "đổ bộ" lịch sử lên Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969.
Để kết thúc các tranh cãi này, Tiến sĩ Chris Riley, tác giả của cuốn sách Haynes Apollo 11: An Owner's Manual và nhà ngôn ngữ học John Olsson đã cho ra đời một bản phân tích chi tiết nhất về câu nói của Neil Armstrong.
Riley và Olsson đã nghiên cứu các bản băng từ tính từ Trung tâm Vũ trụ Johnson, Houston ghi âm lời nói của Neil Armstrong trước và sau khi thực hiện nhiệm vụ. Những đoạn băng này cho thấy không có mạo từ “a” trong câu nói của Armstrong. Theo Riley, bản ghi âm cho thấy, chữ “r” trong từ “for” và chữ “m” trong từ “man” nối liền với nhau, và không có chỗ cho từ “a”. Như vậy, việc mất từ "a" có vẻ không phải do trục trặc kỹ thuật mà do Armstrong nói nhịu.
Tuy nhiên, phân tích của Riley chỉ ra chủ đích của Armstrong là “a man” bởi ông đã lên giọng khi nói từ “man” trong khi hạ giọng ở từ “mankind”. Theo Olsson, điều này cho thấy Armstrong đã sử dụng sự đối lập mà chúng ta vẫn thường thấy trong các bài phát biểu. "Điều đó có nghĩa là ông ý thức được sự khác nhau giữa từ “man” và “mankind”, vì vậy từ “man” ở đây để chỉ một con người chứ không phải toàn bộ loài người”, Olsson nói. Do đó, câu nói của Armstrong vang mang ý nghĩa: "Bước chân nhỏ của con người nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại".
Lịch sử nhân loại vẫn đang ghi nhận Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. |
Về việc cho rằng Neil Armstrong đã có kịch bản từ trước, Olsson giải thích: “Khi nhìn hình ảnh của Armstrong trên Mặt Trăng, bạn sẽ thấy rằng ông vừa di chuyển vừa nói. Ông nói từ đầu tiên “đây là” ngay khoảnh khắc ông đặt chân lên Mặt Trăng và khi ông nói “một bước tiến vĩ đại của loài người” thì ông đang di chuyển cả người của mình. Bên cạnh đó, ông cũng không sử dụng từ nối “và” hay “nhưng” giữa hai vế của câu. Vì vậy, với tất cả những lý do trên, chúng ta có thể thấy rằng đây hoàn toàn là một câu nói không có sự sắp đặt từ trước”.
Ông cũng khẳng định rằng, lỗi nói nhịu không khiến câu nói của Armstrong mất ý nghĩa: “Tôi cảm thấy hài lòng vì nghiên cứu của mình, điều đó không có nghĩa là hướng sự chú ý tới lỗi phát âm vụn vặt này, mà chúng ta cần phải ghi nhận những cống hiến của Neil Armstrong”.