Phát hiện này cung cấp manh mối quan trọng cách oxy và các yếu tố quan trọng khác được tạo ra trong vũ trụ.
Các nhà thiên văn học từ Đại học California San Diego tìm thấy lượng lớn oxy trong bầu trời khí quyển của một trong những ngôi sao tồn tại lâu đời nhất, có tên J0815+4709. Nghiên cứu được bắt đầu từ 30 năm trước nhằm hiểu rõ sự tồn tại của oxy trong những ngôi sao lâu đời nhất thiên hà, đăng trên The Astrophysical Journal Letters.
Ảnh minh họa ngôi sao J0815+4729 được hình thành từ những mảng vật chất siêu tân tinh trong vũ trụ. (Ảnh: Phys).
Phát hiện tại Đài thiên văn WM Keck ở Hawaii, Mỹ, giúp phân tích cấu tạo hóa học của ngôi sao cổ đại này. Nhóm nghiên cứu tiến hành quan sát J0815+4729 bằng máy quang phổ Echelle độ phân giải cao trong suốt 5 giờ để thu thập dữ liệu đo lường. Kết quả cho thấy, ngoài carbon, ni tơ, ngôi sao cổ đại này có lượng oxy tương đối lớn, chiếm 3% lượng chất đo được trong Mặt trời.
"Phát hiện này cung cấp manh mối quan trọng về cách oxy và các yếu tố quan trọng khác được tạo ra trong vũ trụ", John O’Meara, đứng đầu nhóm khoa học Đài thiên văn WM Keck cho biết.
Ngoài ra, việc phát hiện 16 thành phần hóa học nguyên thủy của ngôi sao cổ đại này chỉ ra rằng nó được hình thành trong hàng trăm triệu năm đầu tiên sau Vụ nổ lớn hoặc mảng vật chất từ siêu tân tinh đầu tiên trên dải Ngân Hà.
Oxy là nguyên tố nhiều thứ ba trong vũ trụ sau hydro và heli, là cơ sở hóa học của hô hấp và cần thiết cho mọi dạng sống trên Trái Đất, là thành phần nguyên tố chính của vỏ Trái Đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng oxy không tồn tại trong vũ trụ sơ khai mà được tạo ra thông qua phản ứng tổng hợp hạt nhân xảy ra sâu bên trong những ngôi sao cổ đại có khối lượng gấp 10 lần khối lượng Mặt Trời.