"Sóng thần" khổng lồ đến mức chỉ một cơn sóng cũng có thể "nhấn chìm" toàn bộ thiên hà của chúng ta.
Các nhà khoa học tại Đài quan sát X-quang Chandra của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố một phát hiện đặc biệt trong không gian.
Cụm thiên hà Perseus.
Cụ thể, một "sóng thần" khổng lồ chứa khí nóng đang tràn qua cụm thiên hà Perseus - hệ thống hàng nghìn thiên hà trong chòm sao Perseus. Kích thước của nó lớn đến nỗi chỉ một cơn sóng cũng có thể "nhấn chìm" toàn bộ thiên hà của chúng ta, theo trang BRG.
Các nhà khoa học cho rằng một cụm thiên hà nhỏ đã đi qua cụm thiên hà Perseus hơn hàng tỷ năm trước, khuấy động khí quyển của Perseus, tạo ra một vòng xoáy, trong đó hình thành sóng khổng lồ.
Phát hiện về "sóng thần khí" dự kiến sẽ được công bố trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society (Thông báo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia) vào tháng 6 năm nay.
"Sóng thần khí" được cho là có chiều dài khoảng 200.000 năm ánh sáng, khoảng gấp đôi kích thước Dải Ngân hà của chúng ta. Nó được phân loại là sóng Kelvin-Helmholtz, được tạo nên bởi sự bất ổn giữa các chất lỏng không hòa trộn. Kích thước khổng lồ của nó là kết quả trực tiếp của cường độ từ trường của cụm thiên hà Perseus. Sau này, "sóng thần" sẽ tan ra nhưng ít nhất là phải hàng triệu năm nữa.
Hình ảnh minh họa "sóng thần" khổng lồ chứa khí nóng đang tràn qua cụm thiên hà Perseus.
Hình ảnh minh họa "sóng thần" của NASA cho thấy vòng xoáy khổng lồ màu đỏ cam trong không gian, ban đầu chỉ là một chấm nhỏ nhưng sau đó lan rộng và tạo thành chuyển động khí.
Tuy nhiên, khả năng "sóng thần" ảnh hưởng đến Trái Đất là rất nhỏ. Cụm thiên hà Perseus cách Trái Đất 250 triệu năm ánh sáng, và "sóng thần khí" về cơ bản chỉ là kết quả của việc cụm thiên hà xả ra một chút hơi nước, và không ảnh hưởng đến Trái Đất.