Theo tạp chí Nature số ra ngày 4/12, một nhà khoa học Australia đã có phát hiện được cho là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên do tổ tiên loài người sáng tạo.
Vỏ sò hóa thạch này được cho là có niên đại ít nhất 430.000 năm trước. (Nguồn: sciencemag)
Tiến sỹ Stephen Munro thuộc trường Đại học quốc gia Australia đã chụp ảnh các vỏ sò hoá thạch tìm thấy trên đảo Java của Indonesia năm 2007.
Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, ông đã phát hiện ra trên một vỏ sò có vết khắc họa tiết zích zắc đơn giản. Các vỏ sò hóa thạch này được cho là có niên đại ít nhất 430.000 năm trước, thậm chí còn lâu đời hơn khoảng 300.000 năm so với các tác phẩm chạm khắc của người cổ đại Neanderthal.
Tiến sỹ Munro cho rằng kiểu cách chạm khắc này chưa từng xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cho đến khoảng 130.000 năm trước đây theo ghi chép khảo cổ học. Dựa trên niên đại và vị trí tìm ra vỏ sò hóa thạch này, họa tiết trên vỏ sò có thể do người vượn Homo (được cho là xuất hiện cách đây hơn 1,8 triệu năm) chạm khắc.
Theo Tiến sỹ Munro, phát hiện này đã viết lại lịch sử loài người, đưa người Homo gần thời đại của chúng ta hơn, đồng thời dẫn đến giả thuyết rằng người tiền sử sống gần bờ biển và ăn các loại động vật có vỏ (trai, sò, tôm, cua), khác với giả thuyết trước đây cho là họ sống ở đồng cỏ và săn bắn.
Tham khảo: sciencemag.