Một nhóm các nhà khoa học Australia cho biết dựa vào kỹ thuật vẽ bản đồ có độ phân giải cao, họ đã xác định được 280 miệng núi lửa mới trên Mặt trăng mà trước đó chưa hề được phát hiện.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Curtin ở Tây Australia đã sử dụng mô hình máy tính mô phỏng và dữ liệu đồ họa để khám phá ra các chi tiết cụ thể của các vùng trũng trên bề mặt Mặt trăng mà trước đây không thể xác định được bằng các kỹ thuật khác.
Các nhà khoa học cũng cho biết đã quan sát và mô tả một cách chi tiết khoảng 66 miệng núi lửa nói trên.
Theo nhà nghiên cứu Will Featherstone thuộc Viện nghiên cứu Địa chất Curtin, ban đầu các nhà khoa học chỉ dự định nghiên cứu hai vùng trũng nằm ở phía xa của bề mặt Mặt trăng, song sự hiếu kỳ đã thôi thúc họ mở rộng phạm vi nghiên cứu lên toàn bộ bề mặt của thiên thể này và phát hiện ra các miệng núi lửa trên.
Ông cũng cho biết việc nghiên cứu phần mặt tối của Mặt trăng rất khó khăn vì từ Trái Đất không thể theo được quỹ đạo bay của các vệ tinh quanh Mặt trăng khi chúng ở phía mặt xa kia của Mặt trăng.
Thành công của các nhà khoa học dựa trên việc phát triển kỹ thuật quan sát đã được sử dụng trong việc lập bản đồ Trái Đất có độ phân giải cao cùng với sự hỗ trợ và cho phép của Hội đồng nghiên cứu Australia.
Nhóm nghiên cứu cũng dự định sẽ áp dụng kỹ thuật này để nghiên cứu các dữ liệu mới do vệ tinh Grail của NASA gửi về.
Grail là vệ tinh thám hiểm được trang bị kỹ thuật chụp ảnh có độ nét cao, bao gồm hai vệ tinh thám hiểm Ebb và Flow, được đưa vào quỹ đạo ngày 17/12/2012 nhằm phục vụ cho việc quan sát cấu trúc và bề mặt Mặt trăng.
Ngoài việc vẽ bản đồ Trái Đất và Mặt trăng với độ nét cao, các nhà khoa học đang lên kế hoạch phát triển kỹ thuật này để phục vụ cho việc lập bản đồ sao Hỏa nhằm mở đường cho các kế hoạch đổ bộ lên hành tinh đỏ này.