Thiên thạch có đường kính ước tính 14m vừa được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) bổ sung thêm vào danh sách những mối nguy hiểm đối với Trái đất sau khi tính toán đường đi và phát hiện nó có thể va vào Trái đất.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) gọi tên thiên thạch này là SU3 2019, có đường kính ước tính 14m. Nếu suy đoán của ESA chính xác thì vụ va chạm này có thể xảy ra vào ngày 16- 9-2084, tức 65 năm tới.
Thiên thạch này cũng được ESA liệt kê trong danh sách cần theo dõi sát sao, chặt chẽ từng đường đi.
Danh sách rủi ro là một danh mục về tất cả các loại đá không gian có nguy cơ gây nguy hại cho Trái đất và sự tồn vong của loài người. Mỗi mục trong danh sách đều nêu chi tiết về các thiên thạch và nguy cơ tác động đến Trái đất, bao gồm ngày tác động ước tính, xác suất va chạm, kích thước và vận tốc của thiên thạch.
ESA bổ sung SU3 2019 dựa trên dữ liệu về nguy cơ nó sẽ tấn công Trái đất. Thiên thạch này cũng được ESA liệt kê trong "Danh sách ưu tiên", cần các nhà khoa học phải theo dõi sát sao, chặt chẽ từng đường đi.
Các nhà khoa học lo ngại rằng vì khoảng cách đường đi của SU3 2019 qua Trái đất chỉ cách khoảng 120km nên chỉ cần một sự tác động nhẹ không thể biết trước từ các vật thể nhỏ xung quanh cũng có thể khiến nó va thẳng vào Trái đất.
SU3 2019 là một tiểu hành tinh Apollo, thuộc nhóm tiểu hành tinh được phát hiện vào những năm 1930, có quỹ đạo rất rộng quanh Trái đất và Mặt trời. Một quỹ đạo của SU3 2019 đôi khi vượt qua tới gần các hành tinh khác như sao Kim, sao Thủy và sao Hỏa.
Lực hấp dẫn từ bất kỳ hành tinh nào trong số này có thể dễ dàng thay đổi quỹ đạo khiến nó không còn là "đi qua" nữa mà là "va chạm trực tiếp" với Trái đất.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng SU3 2019 không đủ lớn để tạo ra một sự kiện tác động lớn đến Trái đất hay đe dọa sự tồn vong của loài người. Rất có thể nó sẽ bốc cháy trước khi chạm xuống mặt đất.