Một nhóm nghiên cứu nước biển bên ngoài lãnh thổ Primorsky (LB Nga) và Australia đã tìm thấy một loại vi khuẩn mới có thể giúp làm sạch nước thải.
Vi khuẩn có khả năng phân hủy các chất hóa học chứa trong các chất tẩy rửa tổng hợp.
Theo báo cáo mới đây, một nhóm nghiên cứu của Viện Hóa sinh vô cơ Thái Bình Dương thuộc chi nhánh Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga kết hợp với các nhà nghiên cứu đến từ Australia, New Zealand, Pháp, Tây Ban Nha và Nhật Bản đã nghiên cứu nước biển ở Vịnh Chazhma trên biển Nhật Bản trong lãnh thổ Primorsky và Vịnh Port Phillip ở Biển Tasman, Australia.
Họ phát hiện ra hai loài vi khuẩn mới được gọi là Marinobacter salarius và Marinobacter similis. Đây là những vi khuẩn có khả năng phân hủy các chất hóa học chứa trong các chất tẩy rửa tổng hợp và một số loại thuốc nhất định.
Báo cáo cũng cho biết, các phân tử chất tẩy rửa rất khó phân hủy, và việc thải chúng ra các hồ chứa nước thường xuyên tạo ra hiện tượng sủi bọt, gây tác hại trong việc sử dụng nước và sức khỏe con người.
Những loại vi khuẩn mới này có khả năng hữu ích trong việc làm sạch nước thải.