Các nhà khoa học đã tìm thấy vi khuẩn sinh sống ở độ sâu khó tin trong lòng đất, khiến dấy lên hy vọng rằng có sự sống trên sao Hỏa trong môi trường khắc nghiệt tương tự.
Tại bán đảo Iberia, trong mũi phía nam của Tây Ban Nha, các nhà khoa học đã tìm thấy được những con vi khuẩn sống ở độ sâu tới 2.000 feet (600m). Khí hậu trên mặt đất tại vùng này vô cùng khắc nghiệt, vì vậy việc có vi khuẩn sống ở độ sâu nói trên khiến các nhà khoa học hy vọng rằng có tồn tại sự sống trên sao Hỏa.
Hình ảnh cho thấy một "cộng đồng" vi khuẩn cyanobacteria sống ở độ sâu 600m dưới lòng đất - (Ảnh: Daily Mail).
Thông thường, các vi khuẩn cyanobacteria nhỏ tồn tại dựa vào sự quang hợp với nguồn năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, những sinh vật này lại được tìm thấy "phát triển mạnh" trong điều kiện thiên nhiên khá giống trên sao Hỏa.
Tiến sĩ Fernando Puente-Sancheza, thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia Tây Ban Nha, người đứng đầu nghiên cứu cho hay nếu các vi khuẩn có thể tồn tại ở bán đảo Iberia, chúng hoàn toàn có thể sống tốt với điều kiện trên sao Hỏa.
"Bên dưới lòng đất là một nơi tốt để sống, nếu bạn là một sinh vật sống trên sao Hỏa. Trên bề mặt sao Hỏa, bầu khí quyển quá mỏng nên bạn sẽ bị phơi ra trước quá nhiều bức xạ Mặt trời và không thể sống được. Tuy nhiên, chỉ cần ở sâu dưới đất vài mét là bạn được bảo vệ khỏi bức xạ, khu vực đó là một môi trường sống rất ổn định", ông Puente-Sancheza cho biết.
Vi khuẩn cyanobacteria tỏ ra thích nghi mạnh mẽ ở mọi nơi, trước đây chúng ta biết chúng sống trong sa mạc, dưới đại dương và cả trên trạm ISS. Tuy nhiên, chưa ai phát hiện ra chúng có thể sống sâu trong lòng đất, nơi có điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt.
Với cấu trúc di truyền đặc biệt của mình, các nhà khoa học tin rằng cyanobacteria hoàn toàn có thể thích nghi và sống trên sao Hỏa, nếu hành tinh này vẫn tồn tại sự sống.