Mẩu khoáng chất với cộng đồng vi khuẩn trong lớp băng xanh |
Cộng đồng vi khuẩn này tồn tại trong các lõi khoan băng màu xanh và có thể đã 1 triệu năm tuổi. Đây là một môi trường cực kỳ khắc nghiệt, không thuận lợi cho sự sống.
Nhà nghiên cứu Hans Amundsen thuộc Trường ĐH Oslo, Na Uy trong khi đang tiến hành nghiên cứu núi lửa Sverrefjell trên quần đảo Svalbard nằm ở phía bắc Na Uy trong một chương trình nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra cộng đồng vi khuẩn này.
Trong chương trình này, các nhà khoa học đã thực hiện việc khoan chỏm băng ở núi lửa Spitzberg trên quần đảo Svalbard. Theo họ, đây là khu vực duy nhất trên Trái Đất có thể tìm thấy những tinh thể quặng sắt từ - khoáng vật tương tự như trong thiên thạch rơi từ sao Hỏa và được phát hiện tại Nam Cực vào năm 1996.
Andrew Steele tại Phòng thí nghiệm Viện nghiên cứu địa vật lý Carnegie tại thủ đô Washington của Mỹ, trưởng nhóm thám hiểm cho biết: “Những lõi khoan núi lửa đóng băng này có thể cũng được tìm thấy trên sao Hỏa, và có thể ở đó cũng có sự sống”.
Năm 2004, các tàu thăm dò của Cơ quan không gian Mỹ (NASA) và Cơ quan không gian châu Âu đã chứng minh sự có mặt của nước đóng băng tại các vùng cực của sao Hỏa. Nước là một điều kiện cần thiết cho sự xuất hiện của các sinh vật sống, và phát hiện mới này có thể củng cố thêm các bằng chứng cho thấy có thể có sự sống trên hành tinh Đỏ.
T.VY (Theo Newscientist, Physorg, Space Daily)