Một nhóm các nhà khoa học thuộc các quốc gia Đức, Nga, Thuỵ Điển đã phát hiện ra những vùng gene kiểm soát tính thuần phục của động vật. Đây có thể là bước đột phá trong việc chăn nuôi động vật.
Nó giúp những người gây giống động vật, nông dân, các nhà động vật học hay bất cứ người chăn nuôi nào hiểu biết đầy đủ hơn về yếu tố khiến động tỏ ra thân thiện hay hung hãn với con người. Đồng thời, người ta cũng hi vọng tìm ra những chiến lược gây giống, di chuyển một số gene nhất định từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm tạo ra động vật được thuần hoá.
Frank Albert, nhà khoa học của Viện nhân chủng học và tiến hoá Max Planck, Đức đồng thời cũng là tác giả chính của báo cáo này cho biết: “Hi vọng nghiên cứu của chúng tôi sẽ đem đến sự hiểu biết tường tận về tính thuần hoá của động vật dưới góc độ gen và sinh học. Có thể, một ngày không xa, chúng ta có thể thuần hoá được một số loài mà đến nay chúng ta vẫn chưa thuần hoá được như loài bò rừng Châu Phi”.
Con người vẫn chưa thể thuần hoá bò rừng châu Phi. (Ảnh: iStockphoto/Johan Swanepoel).
Nghiên cứu này xuất phát từ năm 1972 khi các nhà nghiên cứu ở Novosibirsk, Liên Xô (nay là Liên bang Nga) bắt được lượng lớn chuột ở vùng đất hoang quanh thành phố. Sau khi đem về phòng thí nghiệm, lũ chuột được chia làm hai nhóm.
- Nhóm đầu tiên gồm những con chuột tỏ ra khá hiền lành, chúng không quá hung hăng với con người.
- Nhóm thứ hai gồm những con kích động nhất, chúng la hét, tấn công và cắn các nhà nghiên cứu.
Kể từ đó, những con chuột này được lai giống với nhau. Bây giờ, hai nhóm chuột này có phản ứng rất khác nhau với con người. Nhóm những con thuần hoá cho phép con người chạm vào chúng, nhấc lên và không bao giờ tấn công. Những con hung hãn thì la hét, có thể tấn công bất cứ lúc nào. Các nhà khoa học cho hai nhóm chuột này giao phối với nhau và xác định vùng trong bộ di truyền điều khiển tính thuần hoá hay hung hãn.
Tổng biên tập tạp chí Di truyền học Mark Johnston phát biểu: “Loài người đã thuần hoá động vật trong hàng ngàn năm. Trong suốt thời gian đó, có nhiều kinh nghiệm dân gian và bí quyết quanh công việc này. Nhưng tất nhiên, di truyền học đóng vai trò quan trọng trong quá trình thuần hoá. Nghiên cứu này cung cấp quan điểm khoa học vững chắc lý giải hiện tượng này và đem đến căn cứ về việc hệ gene có thể được biến đổi để kiểm soát việc lai giống những loài vật từng được cho là không thể thuần hoá được".
Tài liệu:
Albert et al. Genetic Architecture of Tameness in a Rat Model of Animal Domestication. Genetics, 2009; 182 (2): 541 DOI: 10.1534/genetics.109.102186