Giáo sư Kenneth Crozier và cựu sinh viên Antony Orth của Đại học Harvard đã phát triển phương pháp tạo ra hình ảnh 3D cực kỳ đơn giản, hiệu quả với chi phí rất thấp.
Được biết, sắp tới chúng ta có thể sẽ được xem những bộ phim 3D mà không cần kè kè chiếc kính 3D khó chịu.
Phương pháp có tên là “light-field moment imaging”, được các nhà khoa học phát triển dựa trên toán học chứ không nhờ tới các thiết bị tốn kém. Nói một cách đơn giản, nó sẽ cho hai hình ảnh từ cùng một vị trí máy quay nhưng ở các độ sâu khác nhau. Kết hợp hai hình ảnh này với nhau chúng ta sẽ có được một hình ảnh động ba chiều ấn tượng.
Giáo sư Kenneth Crozier. (Ảnh: Dailymail)
Quan trọng hơn là kỹ thuật này cung cấp một cách mới và dễ tiếp cận để tạo ra hình ảnh 3D của vật liệu mờ, chẳng hạn như mô sinh học.
Conor Evans, trợ lý giáo sư tại Trường Y Harvard, chuyên gia về hình ảnh y sinh học cho biết: "Phương pháp này là một giải pháp hay, độc đáo và đầy sáng tạo. Nó sẽ giúp tiết giảm chi phí cho việc tạo dựng hình ảnh 3D đồng thời mang đến hình ảnh tốt hơn”.
Công nghệ mới nhiều khả năng sẽ sớm được ứng dụng để làm phim 3D bởi nó có thể giúp chúng ta tạo ra hình ảnh ba chiều ấn tượng mà không cần sử dụng tới phần cứng đắt tiền.
Các nhà khoa học khẳng định, một ngày nào đó, các nhà làm phim 3D chỉ cần sử dụng tất cả các phần cứng của kỹ thuật quay phim điện ảnh sẽ tạo ra một bộ phim ba chiều sống động mà khán giả thưởng thức không cần kè kè chiếc kính 3D bên cạnh.