Phát minh điện thoại trò chuyện với hồn ma của Thomas Edison

Nhà phát minh Thomas Edison từng đưa ra giả thuyết về thế giới linh hồn và công bố ý tưởng điện thoại trò chuyện với hồn ma.

Cuối những năm 1920, không lâu trước khi Thomas Edison qua đời, ông cùng các nhà khoa học tập trung trong một phòng thí nghiệm bí mật để ghi lại giọng nói và sự hiện diện của người chết. Họ dùng loa, máy phát và các dụng cụ thí nghiệm khác, theo tạp chí Modern Mechanix số ra tháng 10/1933.


Nhà phát minh Thomas Edison cho rằng có thể trò chuyện với hồn ma qua điện thoại. (Ảnh: Aether Force).

Bài báo miêu tả cỗ máy của Edison, với chùm sáng nhỏ phát ra từ một ngọn đèn mạnh, có thể dò được những hạt vật chất nhỏ nhất. Các hạt này sẽ chứng minh cho sự tồn tại của phần vật chất trong linh hồn người lưu lại sau khi mất. Không may, sau nhiều giờ căng thẳng theo dõi các thiết bị tinh vi, nhóm nhà khoa học không phát hiện điều gì bất thường.

Dù chưa có bằng chứng xác thực cho sự kiện mà bài báo miêu tả, chuyện Edison quan tâm đến việc dùng công nghệ trò chuyện với người chết là sự thật. Năm 1920, nhà phát minh thiên tài này gây chấn động khi tuyên bố trên tạp chí American rằng mình "đang chế tạo một thiết bị để xem những người đã rời bỏ thế giới có thể giao tiếp với chúng ta không".

Tờ báo này đăng lời ông: “Tôi đã dành thời gian nghĩ đến một cỗ máy hay thiết bị có thể được hoạt động bởi những người đã đến với đời sống khác hoặc thiên thể khác”.

Trong hai cuộc phỏng vấn được thực hiện gần như cùng thời điểm, có hai trích dẫn tương tự, nhưng một thì Edison nói đã “chế tạo” thiết bị, và một thì ông cho biết chỉ đơn thuần “nghĩ đến” nó.

Do không có bằng chứng đã làm ra hoặc thiết kế, người ta đi đến kết luận, chiếc máy này chỉ là một ý tưởng không thành hiện thực. Nhưng có một điều chắc chắn qua phát biểu trên hai tờ báo, thực sự có mối quan tâm đến lĩnh vực siêu linh. Vào thời điểm trên, cùng với dòng thác cách mạng công nghệ cuộn chảy về phía trước, thế giới phương Tây cũng đón chào một phong trào với loại hình khác, đó là thuyết Duy linh. Hai lĩnh vực này rõ ràng có sự trái ngược nhau, một đằng phát triển triết học, logic, khoa học, cơ học mang tính thực dụng, đằng khác thì chú trọng về mặt tinh thần, tâm linh.

Thomas Edison, người sở hữu 1.093 bằng sáng chế tại Mỹ, nhấn mạnh, phát minh mới không dựa trên bất cứ phương thức thần kỳ, huyền bí hay kỳ quặc nào như những nhà tâm linh mà sử dụng các phương pháp khoa học. "Tôi đang chế tạo một thiết bị như thế, và tôi hy vọng sẽ hoàn thành trước khi tốn quá nhiều thời gian", ông nói thêm.


Thomas Edison làm việc trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: Library of Congress).

Ý tưởng của Edison được gọi là "điện thoại hồn ma" và gây ra một cơn bão truyền thông thời đó. Nhiều nhà sử học từng cho rằng phát minh này chỉ là lời nói đùa vì người ta không tìm thấy bất cứ bản thiết kế hay mẫu thử nghiệm nào của chiếc điện thoại.

Tuy nhiên, năm 2015, nhà báo Philippe Baudouin tìm được một bản nhật ký hiếm của Edison trong cửa hàng đồ cũ ở Pháp cho thấy, ông thật sự nghiên cứu ý tưởng của mình. Trong cuốn nhật ký mới phát hiện, có thêm một chương bị thiếu so với phiên bản được công bố trước đó. Chương này nói về giả thuyết của Edison về thế giới linh hồn và cách liên lạc với thế giới đó.

Một nhà khoa học lỗi lạc và ảnh hưởng lớn đến công nghệ hiện đại tìm cách liên lạc với hồn ma có thể là chuyện không tưởng với công chúng thời nay. Nhưng khi Edison nói về ý tưởng này năm 1920, những người duy linh lại tích cực đón nhận, một số thậm chí khẳng định mình có thể sử dụng tín hiệu điện tử trong điện thoại thường để hiểu các hồn ma.

Với nhiều người, điện thoại hồn ma cũng tương tự các công nghệ như điện báo hay máy bay, từng bị coi là bất khả thi cho đến khi các nhà phát minh chứng minh điều ngược lại. Thế giới cũng hết sức kinh ngạc khi Edison lần đầu ra mắt máy quay đĩa năm 1877. Họ cảm thấy chiếc máy đã biến giấc mơ bất tử từ thời xa xưa thành sự thật, Baudouin miêu tả.

Thời điểm đó, giao tiếp với hồn ma nghe cũng không tưởng như sản xuất và sử dụng điện vậy. Nhiều ý tưởng kỳ lạ tương tự cũng ra đời trong giai đoạn này. Thomas Watson, trợ lý của nhà phát minh điện thoại Alexander Graham Bell, từng nảy ra ý tưởng về điện thoại hồn ma. Bell và chuyên gia về tai Clarence J. Blake thì phát minh "máy ghi chấn động âm tai", ghi lại âm thanh qua một thiết bị gắn với tai người chết.


Minh họa máy ghi chấn động âm tai của Alexander Graham Bell và Clarence J. Blake. (Ảnh: Atlas Obscura).

Các nhà khoa học nghiên cứu điện có thể là những người đầu tiên đánh giá thiết bị của Edison, ông nói với tạp chí American. "Nó sẽ gây ra chấn động lớn nếu thành công", ông nhận định. Nhưng nếu thất bại, Edison bổ sung, thì niềm tin về thế giới tâm linh sẽ suy yếu đi rất nhiều.

Edison tin rằng sự sống không thể bị hủy diệt. Ông giả thuyết, linh hồn cũng giống như cơ thể con người, có dạng vật chất gồm những thực thể siêu nhỏ, tương tự khái niệm nguyên tử ngày nay. Ông cho rằng những thực thể này tồn tại sau khi người ta chết đi. Đó là phần còn lại của linh hồn gồm những ký ức và suy nghĩ tách rời.

Nếu các hạt nhỏ này tồn tại, chúng có thể tập hợp lại trong không trung. Chúng có thể được khuếch đại nhờ thiết bị của ông, giống như cách khuếch đại âm thanh và thu vào máy quay đĩa.

Edison đã viết ra các kế hoạch và giả thuyết cho thiết bị này, dù người ta vẫn chưa xác định được ông có thực sự chế tạo và thử nghiệm nó không, theo Baudouin. Ông chưa đặt tên cho cỗ máy mà chỉ gọi đó là một chiếc van cực kỳ nhạy cảm với các rung động.


Thomas Edison đưa ra giả thuyết rằng linh hồn gồm các hạt vật chất siêu nhỏ. (Ảnh: Atlas Obscura).

Một số tạp chí đăng hình ảnh phác họa chiếc điện thoại hồn ma của Edison với các bộ phận giống máy quay đĩa, trong đó có một chiếc loa ống chứa điện cực. Chiếc loa được gắn với một hộp gỗ chứa micro để thu nhận những rung động của các thực thể siêu nhỏ.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí American, Edison phê phán một số phương pháp tâm linh huyền bí thiếu tính khoa học. Một số người cho phép bản thân bị thôi miên trong suy nghĩ rằng những tưởng tượng của họ là thật, ông nhận xét.

Sau khi Edison qua đời năm 1931, những người ôm hy vọng trò chuyện với hồn ma tìm kiếm các bản thiết kế để chế tạo và thử nghiệm chiếc điện thoại, hoặc ít nhất là làm một thiết bị gần giống. Năm 1941, các nhà nghiên cứu cố gắng tái tạo điện thoại hồn ma và gọi cho Edison vì họ tin rằng mình được hồn ma của Edison chỉ dẫn qua một nhà tâm linh.

Ngày nay, con người vẫn muốn sử dụng công nghệ để dò tìm và giao tiếp với các hồn ma, dù những thiết bị được ưa chuộng không phải điện thoại mà là máy ghi hiện tượng âm thanh điện tử (EVP) và máy địa âm.

Một số người săn hồn ma còn cài đặt các ứng dụng dò tìm biến điện thoại thông minh thành điện thoại hồn ma di động. Năm 2002, Frank Sumption khẳng định hồn ma có thể nói nhờ một loại đài đặc biệt gọi là Chiếc hộp Frank. Các hồn ma sẽ điều chỉnh tần số để tạo nên từ ngữ từ thế giới bên kia.

Khoa học chưa thể chứng minh tính chính xác trong giả thuyết của Edison về các thực thể vật chất của linh hồn hay việc trò chuyện với người đã khuất qua điện thoại, nhưng ý tưởng của nhà phát minh lỗi lạc này vẫn đang tiếp tục được kế thừa và nghiên cứu.

Cập nhật: 21/05/2020 Theo VnExpress/GDTĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video