Với những chiếc bát đĩa từ lá cây này, những tác giả người Thái Lan mong chúng sẽ giữ gìn môi trường sống tốt hơn.
Xuất phát từ quan ngại về sự gia tăng trong việc sử dụng những đồ đựng thức ăn làm từ xốp styrofoam gây ô nhiễm môi trường, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Naresuan đã sáng tạo và phát triển một loại bát từ lá cây. Những chiếc bát này có khả năng tự phân huỷ và không thấm nước.
Các giáo sư trong khoa công nghệ của trường đã dành hơn 1 năm để phát triển thành công quy trình sản xuất này, tạo ra những chiếc bát chắc chắn, hữu dụng từ lá cây để thay thế những đồ đựng thức ăn bằng xốp.
Những chiếc bát này có thể đựng được nước nóng mà không bị rò rỉ.
Qua nhiều thử nghiệm và cả những sai sót, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lá của 3 loại cây: bastard teak, teak và banyan là những vật liệu tốt nhất để sản xuất bát đĩa đựng thức ăn.
Những chiếc bát này có thể đựng được nước nóng mà không bị rò rỉ và chúng có khả năng phân huỷ trong tự nhiên sau khi sử dụng xong.
Trưởng khoa Sirintip Tantanee cho biết, những chiếc bát này đang trong quá trình chờ cấp bằng sáng chế, tuy nhiên khoa công nghệ sẽ phối hợp với hội đồng thành phố để quảng bá việc sử dụng chúng tại các lễ hội ẩm thực thường niên được tổ chức trong suốt dịp lễ Songkran và năm mới.
Samorn Hiranpraditsakul - giáo sư khoa kỹ thuật công nghiệp cũng đã chia sẻ cảm hứng để sáng tạo nên những chiếc bát thân thiện với môi trường. Đó là sau khi cô tới thăm một ngôi đền ở phía Bắc Thái Lan, tại đây cô đã chứng kiến cảnh tượng những bát đĩa xốp với nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được xếp thành những chồng khổng lồ.
Các thành viên của nhóm nghiên cứu Đại học Naresuan chụp ảnh bên những chiếc bát đựng thức ăn không thấm nước từ lá cây với đủ kiểu dáng khác nhau do chính họ sáng tạo ra. (Ảnh: Chinnawat Singha).
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng tinh bột để tạo thêm độ bóng cho những chiếc bát đĩa từ lá cây này. Sản phẩm sẽ được giới thiệu đến công chúng trong dịp lễ Songkran vào tháng 4 năm nay với rất nhiều kiểu dáng khác nhau.