Phi cơ hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời hôm nay bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới từ Abu Dhabi, thủ đô của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
>> Phi cơ năng lượng mặt trời sắp bay vòng quay thế giới
Chiếc Solar Impulse 2 (SI2) cất cánh từ sân bay Al-Bateen lúc 7h12 sáng nay (giờ địa phương) (4h12 theo giờ GMT). Nó bay về hướng Muscat, thủ đô của Oman và dự kiến hạ cánh tại đây sau chặng đầu tiên của hành trình.
Từ Muscat, phi cơ sẽ dừng ở 12 điểm trong hành trình kéo dài 5 tháng. Trong thời gian này, phi cơ dự kiến bay qua biển Arab đến Ấn Độ, trước khi sang Myanmar, Trung Quốc, Hawaii và New York, Mỹ. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, Solar Impulse 2 (SI2) sẽ dừng ở vùng trung tây nước Mỹ, miền nam châu Âu hoặc Bắc Phi. Chặng bay dài nhất kéo dài 5 ngày, vượt Thái Bình Dương ở khoảng cách 8.500 km.
SI2 là phiên bản mới cải tiến, trọng lượng 2.300 kg và có sải cánh 72 m. Máy bay được thiết kế 17.000 tấm pin năng lượng Mặt Trời, cho phép nó bay với thời gian không hạn định mà không cần nhiên liệu, đồng thời bay ở chế độ tự động. SI2 bay ở tốc độ 50-100 km/h và giảm dần vào ban đêm
Phương tiện chỉ có chỗ cho một người, do đó hai phi công Bertrand Piccard và Andre Borschberg sẽ luân phiên nhau điều khiển. Họ được kết nối với trung tâm kiểm soát ở Monaco, với sự hỗ trợ của 65 người.
"Đây là một dự án của con người, một thách thức của con người", Borschberg, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành Solar Impulse hôm qua trả lời phóng viên. Trước đó, Solar Impulse 2 (SI2) dự kiến cất cánh hôm 7/3 nhưng bị hoãn do điều kiện thời tiết.
Theo AFP, đây là chuyến đi nhằm cải thiện và thúc đẩy sự phát triển của nguồn năng lượng xanh trong tương lai.
"Chúng tôi muốn chia sẻ tầm nhìn của chúng tôi về một tương lai sạch hơn. Biến đổi khí hậu là cơ hội để giới thiệu ra thị trường các công nghệ xanh mới, giúp tiết kiệm năng lượng, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo lợi nhuận và cơ hội việc làm, duy trì tăng trưởng", Piccard, Chủ tịch Solar Impulse nhấn mạnh.
Giới thiệu máy bay Solar Impulse 2. (Đồ họa: BBC)