Phi hành gia Nga Oleg Kononenko, cũng là phóng viên, vừa trở thành người đầu tiên trên thế giới ở trong không gian tổng cộng 1.000 ngày.
Vào lúc 0h ngày 5-6 giờ Moscow (4h cùng ngày theo giờ Hà Nội), phi hành gia Kononenko của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đang làm việc trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) đã trở thành người đầu tiên thế giới xác lập kỷ lục hoạt động tổng cộng 1.000 ngày trong vũ trụ.
Phi hành gia Nga Oleg Kononenko - (Ảnh: REUTERS).
Ông Kononenko đã phá kỷ lục của người đồng hương Gennady Padalki - phi hành gia có tổng cộng 878 ngày 11 giờ 29 phút và 48 giây làm việc trong vũ trụ qua 5 chuyến du hành.
Hiện nay, phi hành gia Kononenko đang thực hiện chuyến du hành thứ 5 và ông sẽ đón sinh nhật tuổi 60 trên ISS. Khi kết thúc nhiệm vụ dự kiến vào ngày 23-9-2024, phi hành gia Nga sẽ có 1.110 ngày ở bên ngoài Trái đất.
Phi hành gia Kononenko cho biết các đồng nghiệp Mỹ là những người đầu tiên chúc mừng ông nhân kỷ lục trên.
Ông đánh giá kỷ lục 1.000 ngày trong không gian có ý nghĩa đối với việc phát triển nền y học vũ trụ và chuẩn bị cho các chuyến du hành liên hành tinh trong tương lai, vì nó "đã mở rộng được hình dung về khả năng của con người" cũng như "nhu cầu và các vấn đề ranh giới của tiềm năng cơ thể con người".
Phi hành gia kiêm phóng viên thông tấn Phi hành gia Kononenko thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ hồi tháng 4-2008 trên tàu "Liên hợp TMA-12". Khi trở về Trái đất an toàn, ông được phong danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga và Phi công vũ trụ Liên bang Nga. Ông Kononenko chỉ huy đội phi công vũ trụ Nga từ năm 2016. Một điều thú vị là phi hành gia này cũng là phóng viên của Hãng thông tấn TASS tại ISS. Theo thỏa thuận hợp tác giữa TASS và Roscosmos, các phi công vũ trụ Nga bay lên ISS sẽ được nhận thẻ phóng viên của hãng thông tấn này, và từ ISS, họ sẽ thực hiện các nhiệm vụ thông tin về Trái đất như một phóng viên thực thụ. |