Các nhà khoa học Mỹ ngày 12/9 xác nhận tàu thăm dò Voyager 1 của NASA đã ra khỏi hệ mặt trời, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một phi thuyền thám hiểm của loài người đi xa được như vậy.
>>> Tranh cãi quanh hành trình của Voyager
Voyager 1, có hình dáng giống như một đĩa vệ tinh ghép với một chiếc TV kiểu cũ cùng những ăng ten như tai thỏ, được phóng vào không gian năm 1977 với nhiệm vụ tìm hiểu về các hành tinh trong hệ mặt trời.
Ảnh chụp một trong hai tàu Voyager năm 2002
Vậy nhưng một điều ít ai ngờ tới là tàu thăm dò này đã tiếp tục di chuyển và hiện đã cách mặt trời khoảng 19 tỷ km, đi vào một vùng không gian tối, lạnh nằm giữa các ngôi sao, Ed Stone, nhà khoa học của dự án Voyager cho biết.
“Chúng ta đã lần đầu tiên thực sự đi vào không gian liên sao”, ông Stone đến từ Viện công nghệ California xác nhận. “Chúng ta đã đến được đó. Đây là một điều tất cả chúng ta đều hy vọng khi dự án này bắt đầu cách đây 40 năm. Không ai trong chúng tôi biết đến thứ gì có thể tồn tại lâu hơn hai phi thuyền Voyager”.
Hai phi thuyền “song sinh” Voyager 1 và Voyager 2 được đưa vào không gian 36 năm trước với nhiệm vụ chính là thám hiểm sao Mộc và sao Thổ. Chúng đã phát hiện nhiều chi tiết mới về bản chất của đĩa bụi của sao Thổ và tìm thấy những núi lửa trên mặt trăng Io của sao Mộc.
Voyager 2 đã di chuyển tới sao Thiên Vương và Hải Vương, trước khi nhiệm vụ của cả hai phi thuyền này được mở rộng sang thám hiểm rìa bên ngoài của hệ mặt trời.
Vị trí chính xác của Voyager đã là đề tài bàn cãi gay gắt trong năm qua, bởi các nhà khoa học không biết chính xác khi phi thuyền vượt qua biên giới của hệ mặt trời thì sẽ thế nào, trong khi thiết bị trên tàu được thiết kế để phát hiện những thay đổi này đã bị hỏng từ lâu.
Hình vẽ mô phỏng vị trí của tàu Voyager bên ngoài rìa hệ mặt trời
Tuy nhiên, các nhà khoa học của NASA giờ đồng ý rằng Voyager đã chính thức ở ngoài nhật quyển, vốn mở rộng bao trùm mọi hành tinh trong hệ mặt trời.
Những nghiên cứu này, trong đó miêu tả những tình trạng cho thấy Voyager thực ra đã rời hệ mặt trời từ tháng 8/2012, được xuất bản trong tạp chí Khoa học của Mỹ.
NASA khẳng định Voyager 1 “đang trong một vùng chuyển tiếp ngay bên ngoài nhật quyển, nơi một số tác động từ mặt trời vẫn hiện diện”.
Voyager 1, cùng với Voyager 2 ở phía sau nó vài năm, đã truyền dữ liệu về cho các nhà khoa học trên trái đất ngày 25/8 năm ngoái, cho thấy sự giảm đột ngột của các vật chất mang năng lượng, hay các tia vũ trụ, vốn được sinh ra bên trong nhật quyển.
NASA cho biết tổng chi phí của hai dự án tàu thám hiểm Voyager là 988 triệu USD, bao gồm chi phí phóng, pin hạt nhân của hai phi thuyền và các chi phí cho nhóm hoạt động.
“Cho dù phải mất 36 năm, đây vẫn là một điều bất ngờ với tôi”, Bill Kurth, đến từ đại học Iowa và là đồng tác giả của bài viết trên tạp chí Khoa học, khẳng định. “Tôi nghĩ Voyager là một cuộc hành trình vĩ đại hơn nhiều những gì bất kỳ ai có thể mơ tới”.