Phòng bệnh đau cổ, vai bằng dưỡng sinh

Đau cổ, vai là một triệu chứng thường gặp, xảy ra mọi lứa tuổi, mọi giới... Bệnh thường biểu hiện như đau âm ỉ (hoặc dữ dội) ở cổ, đau có thể lan lên gáy, tai, thái dương hoặc lan xuống vai gây co cứng cơ. Bệnh tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.

Nguyên nhân thường gặp nhất là gối đầu cao khi ngủ hoặc kê đầu trên vật cứng một thời gian dài vài tiếng như: khi đi xe đò ngủ đầu tựa trên ghế dựa, nằm  xem tivi... bệnh rất dễ xảy ra đối với người bắt đầu đến tuổi trung niên, với hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi.

Ngoài ra nguyên nhân dẫn đến hội chứng đau cổ vai còn do tổn thương  các mặt khớp của cột sống cổ như: tổn thương đĩa liên đốt, sau chấn thương, hoặc do công việc hằng ngày dẫn đến những chấn thương nhỏ nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần (lái xe, sơn trần, làm việc với máy vi tính...)...

Chúng ta phải làm gì khi bị đau mỏi cổ vai?

- Tư vấn bác sĩ  để có những lời khuyên đúng về cách điều trị cũng như phòng ngừa tái phát.

- Cần giữ cho cổ luôn thẳng khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy...

- Khi ngủ cần phải dùng gối thích hợp (gối thấp và chắc), nên nằm ngủ với tư thế nghiêng (bên bệnh nằm kê trên gối).

- Chúng ta có thể xoa bóp nhẹ nhàng ở cổ và vai bằng dầu nóng sẽ cảm thấy dễ chịu.

- Đối với người bị đau cổ vai thì châm cứu, tập luyện và vật lý trị liệu tỏ ra có hiệu quả cao.

Khi triệu chứng thuyên giảm việc luyện tập dưỡng sinh sẽ giúp chúng ta vận động khớp cổ một cách nhẹ nhàng để giảm đau và nhanh chóng phục hồi. Nhằm phòng ngừa chứng đau cổ vai, chúng ta có thể tập hai động tác dưỡng sinh: ưỡn cổ, vặn cột sống cổ ngược chiều.

1) Ưỡn cổ:

Người bệnh nằm ngửa thẳng trên giường cứng, hai tay xuôi, lấy điểm tựa là xương chẩm và mông, ưỡn cổ và vai lên.

Sau đó hít vào tối đa cho bụng ngực căng lên, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách cố gắng hít thêm), đồng thời dao động vai qua lại 4 lần, thở ra triệt để (bụng ngực xẹp xuống). Hạ vai rồi nghỉ (ảnh 1).


Ảnh 1

2) Vặn cột sống cổ ngược chiều:

- Người bệnh nằm nghiêng một bên co chân lại, chân dưới để phía sau, bàn chân trên để lên đầu gối chân dưới, tay dưới để lên đầu gối chân trên đè xuống sát giường, còn tay trên nắm bàn chân dưới. Vai ngả phía sau, cổ quay ra phía sau (ảnh 2, 3).


Ảnh 2

- Cách làm: Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách giữ nguyên lồng ngực, không cho hạ xuống), đồng thời giao động cổ qua lại từ 2-4 cái.Thở ra triệt để có ép bụng. Sau đó đổi bên làm tương tự.


Ảnh 3

* Mỗi động tác làm từ 3-5 lần, ngày tập 2 lượt sáng, tối. Chỉ cần tập luyện 2 động tác này sẽ giúp cơn đau của bạn có thể giảm xuống, đồng thời phòng ngừa đau mỏi cổ tái phát.

* Lưu ý: Trong các trường hợp bệnh cấp, đau nhiều thì ta không nên tập; chủ yếu là nghỉ ngơi, xoa vuốt nhẹ nhàng. Chỉ được tập khi đã giảm đau hoặc dùng để phòng ngừa.

* Một số tư thế chúng ta cần tránh trong sinh hoạt để phòng chứng đau cổ vai:

- Căng cổ ngước nhìn lên cao trong thời gian dài.

- Xoay đầu thường xuyên về bên đau.

- Nâng hoặc kéo một vật với cổ gập.

- Học hoặc đọc sách với tư thế cổ gập trong thời gian dài.

- Ngủ với gối cao hoặc nhiều gối...

Đau mỏi cổ vai là triệu chứng rất thường gặp trong cuộc sống. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ gây khó khăn trong sinh hoạt và giao tiếp của bạn. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp chúng ta phòng trị bệnh và nâng cao sức khỏe.

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video