Phương pháp giúp tăng khả năng có con của bệnh nhân ung thư

Hy vọng có con của những phụ nữ trẻ phải điều trị ung thư bằng hóa chất đang mở ra nhờ phương pháp "đóng băng" buồng trứng đã được thử nghiệm thành công tại Mỹ. Đây được xem là liệu pháp làm thay đổi cuộc sống của những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và đối mặt với nguy cơ vô sinh do tác động tiêu cực của thuốc điều trị.

Kết quả thử nghiệm được công bố tại hội nghị của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ mới đây cho thấy phương pháp "đóng băng" buồng trứng đã giúp nhiều phụ nữ tiếp tục sinh con sau khi hóa trị. Điển hình là trường hợp của Christy Wolford sống tại bang Colorado, bị chẩn đoán ung thư vú âm tính cấp độ 3 - loại khó điều trị nhất và phải sử dụng các hóa chất mạnh nhất. Bác sĩ cho biết bà mẹ một con Wolford có nguy cơ bị vô sinh lên tới 90% sau 6 tháng hóa trị, bởi các loại thuốc này có thể hủy hoại trứng, thậm chí khiến cô bị mãn kinh sớm.

Theo giải thích của các chuyên gia, thuốc trị ung thư thường tìm diệt các tế bào có độ sinh sôi mạnh nhất, vốn được xem là dấu hiệu của tế bào ung thư. Tuy nhiên, một số tế bào khỏe mạnh như nang tóc và tế bào trong đường ruột cũng phân bào nhanh nên hóa chất cũng tấn công các tế bào này, gây ra các tác dụng phụ của hóa trị. "Đây thực sự là vấn đề quan trọng đối với các bệnh nhân trẻ bị ung thư vú. Họ thường rất sốc khi được chẩn đoán bệnh rồi biết phải làm hóa trị và nó có thể khiến họ mãn kinh hoặc vô sinh", Tiến sĩ Sharon Giordano tại Trung tâm ung thư MD Anderson ở Houston nói thêm.

Trong thử nghiệm lâm sàng, các bác sĩ đã sử dụng thuốc Zoladex chứa thành phần goserelin nhằm "đóng cửa" buồng trứng và bảo vệ cơ quan này khỏi tác động của các hóa chất. Nói cách khác, buồng trứng của bệnh nhân sẽ được "đóng băng" để ngừng sản xuất trứng trong thời gian hóa trị và sau đó nó được kích hoạt trở lại để thực hiện chức năng sinh sản bình thường. Wolford là một trong số 257 người tình nguyện tham gia nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ liệu loại thuốc này có giúp chị em bảo toàn khả năng làm mẹ hay không. Những người này có tuổi trung bình là 38, đều bị ung thư vú dạng "âm tính với hormone", nghĩa là không bị kích thích bởi hormone sinh dục nữ estrogen. Họ được chia thành hai nhóm ngẫu nhiên: nhóm được tiêm Zoladex và nhóm không tiêm Zoladex trong quá trình hóa trị.

Sau 2 năm, có 21% phụ nữ dùng thuốc Zoladex (22 người) đã mang thai trong khi tỷ lệ này ở nhóm phụ nữ không dùng Zoladex là 11% (12 người). Đến nay, có 30 em bé đã chào đời và 8 phụ nữ vẫn đang mang thai. Wolford thuộc nhóm được tiêm Zoladex và cô cho biết bản thân đã trải qua các triệu chứng mãn kinh tạm thời như bốc hỏa và cáu kỉnh, như tác dụng phụ của thuốc. Nhưng khổ cực của Wolford đã được đền đáp. "Giờ đây tôi có 4 đứa con. Tôi đã có thêm 3 con trai sau khi hóa trị" – Wolford phấn khởi khoe.

Tiến sĩ Halle Moore tại Bệnh viện Cleveland cho biết, trước đây có quan ngại cho rằng goserelin có thể làm tăng khả năng sẩy thai hoặc biến chứng nhưng nghiên cứu cho thấy hóa chất này không có ảnh hưởng như vậy. Do đó, phương pháp này được cho là an toàn, dù với phụ nữ có con hoặc không có con sau khi điều trị ung thư. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng đây là phương pháp ít tốn kém và là sự lựa chọn khả thi đối với nhiều bệnh nhân.

Theo Báo Cần Thơ, NBC News
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video