Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Đại học East Anglia, Viện Quadram (Anh) và Đại học Florence (Ý) đã tìm ra một phương pháp bất ngờ hứa hẹn "cải lão hoàn đồng" và phục hồi vùng hippocampus (hồi hải mã) trong não, nơi liên quan mật thiết đến khả năng học tập và trí nhớ. Đó là cấy ghép... phân
Nghe có vẻ kinh dị nhưng thực chất phương pháp mới nhắm đến hệ vi sinh vật đường ruột. Trong thí nghiệm trên chuột, việc cấy ghép phân từ các con chuột già sang các con chuột non, khiến chúng phải chịu đựng hệ vi sinh vật đường ruột già cỗi đã nhanh chóng tác động lên... não theo cách gọi là "trục não ruột".
Vi sinh vật đường ruột - (ảnh đồ họa từ NATURAL HEALTH 365).
Kết quả cho thấy chuột non bị ảnh hưởng bởi vi sinh vật từ chuột già bắt đầu có hành vi y như các con chuột già, mức độ lo lắng gia tăng, trí nhớ giảm sút, chậm chạp thấy rõ. Phân tích não chúng cho thấy độ dẻo của các khớp thần kinh trong hồi hải mã đã bị giảm sút. Tác động ngược lại khi đem vi sinh vật của cá thể trẻ sang cá thể già cũng được chứng minh.
Hồi hải mã là vùng não quyết định khả năng học tập, trí nhớ, định hướng không gian của con người và các loài động vật khác. Ở người lớn tuổi, chính sự suy giảm chức năng hồi hải mã dẫn đến trí nhớ giảm sút, hay lạc đường..., chính là biểu hiện của nhóm bệnh mất trí nhớ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp hàng thứ 5 trong danh sách các nguyên nhân gây chết sớm phổ biến nhất. Mất trí nhớ hiện vẫn là nhóm bệnh nan y, chưa có thuốc chữa.
Giáo sư Arjan Narbad từ Viện Quadram, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết tác động của hệ vi sinh vật ngày càng được chứng minh là ảnh hưởng đến nhiều mặt sức khỏe của con người. Phương pháp mới đang được tiếp tục để đi đến bước thử nghiệm lâm sàng, hứa hẹn đem đến một phương pháp giúp con người già đi một cách khỏe mạnh. Cấy ghép phân lại khá đơn giản về mặt kỹ thuật.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Microbiome.