Các nhà khoa học Mỹ phát minh loại pin quang điện siêu mỏng và siêu nhẹ, có thể đặt trên đỉnh những bong bóng xà phòng mà không làm vỡ chúng.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Organic Electronics, các nhà khoa học cho biết chìa khóa để tạo ra loại pin mới là kết hợp sản xuất pin, chất xúc tác hóa học và lớp phủ bảo vệ trong cùng một quá trình. "Tấm pin nhẹ đến mức bạn thậm chí không biết đến sự tồn tại của nó trên áo quần hay sổ tay", Science Alert dẫn lời Vladimir Bulović, nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachusetts.
Một lợi ích khi kết hợp pin Mặt Trời và chất xúc tác hóa học là tác dụng bảo vệ trước bụi và ô nhiễm. Nhóm nghiên cứu sử dụng một polymer dẻo tên parylene để làm chất xúc tác hóa học và chất phủ, trong khi vật liệu hữu cơ DBP (dibutyl phthalate) được dùng để tạo lớp hấp thụ ánh sáng cơ bản.
Loại pin mặt trời do các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachusetts có thể đặt trên bong bóng xà phòng. (Ảnh: MIT).
Khác với những phương pháp sản xuất pin Mặt Trời thông thường, quá trình mới diễn ra trong một buồng chân không ở nhiệt độ phòng mà không cần sử dụng dung dịch hòa tan hoặc chất hóa học khác. Nhóm nghiên cứu vận dụng kỹ thuật kết tủa hơi, trong đó nhiệt độ, áp suất, phản ứng hóa học cho ra đời lớp phủ rất mỏng trên một vật liệu cụ thể, để cùng lúc sản xuất pin Mặt Trời và chất xúc tác.
Các nhà nghiên cứu cho biết kỹ thuật này tạo nên bước đột phá vô cùng quan trọng. Kết quả là những tấm pin siêu mỏng và linh hoạt, chỉ dày bằng 1/5 sợi tóc người và bằng 1/1000 loại pin thủy tinh hiện nay (khoảng hai micromet), nhưng vẫn có thể chuyển ánh sáng Mặt Trời thành điện một cách hiệu quả. "Nếu thở quá mạnh, bạn có thể thổi bay nó", Joel Jean, một thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
Theo các nhà phát minh, phương pháp sản xuất mới giúp đặt pin Mặt Trời trên các vật liệu như vải và giấy. Các tấm pin kiểu này cũng hữu dụng ở trong vũ trụ hoặc trên độ cao lớn, nơi yếu tố khối lượng rất quan trọng. Tuy nhiên, loại pin Mặt Trời mới cần thêm vài năm để hoàn thiện trước khi sản xuất hàng loạt.