Các nhà khoa học Mỹ phát hiện hai con rắn cái mang thai mà không cần con đực, bằng chứng đầu tiên về việc rắn sinh sản đơn tính trong môi trường tự nhiên.
Giáo sư Warren Booth, một nhà khoa học của Đại học Tulsa tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp bắt vài chục cá thể cái mang thai của hai loài rắn hổ mang và hổ mang cá tại Mỹ để phân tích gene của chúng, BBC cho biết.
Trong số 22 con rắn hổ mang, một con thụ thai mà không cần tinh trùng của con đực. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra đối với một trong 37 con rắn hổ mang cá.
Một rắn cái sinh con bằng hình thức trinh sản. (Ảnh: BBC)
"Chúng tôi cảm thấy sốc vì đó là những tỷ lệ khá cao. Những con số đó cho thấy, rất có thể 2,5% rắn hổ mang và 5% rắn hổ mang cá đã ra đời nhờ hình thức sinh sản đơn tính", Booth phát biểu.
Sinh sản đơn tính (hay trinh sản) là quá trình tạo ra con từ trứng mà không cần tinh trùng. Kiểu sinh sản này khá phổ biến ở những loài động vật không xương sống như kiến, ong. Từ trước tới nay giới sinh học luôn nghĩ rằng sinh sản đơn tính là hiện tượng cực hiếm trong thế giới của động vật hữu tính có xương sống, bao gồm rắn. Hiện tượng này được phát hiện đầu tiên ở gà. Sau đó người ta thấy hiện tượng tương tự ở rắn, cá mập, thằn lằn và chim. Nhưng tất cả những con vật đó đều sống trong môi trường nuôi nhốt.
"Nhìn chung trinh sản ở động vật có xương sống được coi là điểm mới lạ về phương diện tiến hóa", giáo sư Booth bình luận.
Cá thể cái của một số loài thằn lằn và tắc kè cũng sinh sản đơn tính, song hiện tượng này xảy ra với toàn bộ cá thể cái của loài. Những con rắn mà Booth bắt được có khả năng sinh sản theo hai kiểu: hữu tính và đơn tính. Vào thập niên 90 người ta ghi nhận hành vi trinh sản ở rắn trong môi trường nuôi nhốt. Với phát hiện của Booth, giới khoa học có bằng chứng đầu tiên về việc rắn trinh sản trong môi trường hoang dã.