Rạn san hô lớn nhất thế giới sẽ không rơi vào nguy hiểm

Theo phóng viên tại Sydney, Chính phủ Australia khẳng định nước này đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc bảo vệ rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier Reef.

>>> Australia nỗ lực bảo vệ rạn san hô lớn nhất thế giới

Trong một báo cáo gửi Ủy ban Di sản Thế giới của Liên hợp quốc hôm 1/2, chính quyền Liên bang Australia và chính quyền tiểu bang Queensland xác nhận giá trị tự nhiên của rạn san hô Great Barrier Reef phần lớn vẫn còn nguyên vẹn.

Để ngăn ngừa nguy cơ thu hẹp rạn san hô này, Australia đã công bố thực hiện một loạt kế hoạch gồm chiến lược phát triển bền vững tới năm 2050, các biện pháp cải thiện chất lượng nước của rạn san hô, dự thảo chiến lược cảng biển Queensland…

Theo báo cáo, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sự thay đổi khí hậu là những mối đe dọa lớn nhất cho rạn san hô Great Barrier Reef.


Ảnh: telegraph.co.uk

Bộ trưởng Môi trường Australia, ông Greg Hunt khẳng định một số nhân tố chính tạo nên Great Barrier Reef như các loài cá nược, rùa, cỏ biển, san hô… đã được cải thiện đáng kể.

Theo ông Greg Hunt, với nỗ lực lâu dài của chính quyền các cấp ở Australia, rạn san hô này sẽ không rơi vào danh sách những di sản thiên nhiên thế giới đang bên bờ vực nguy hiểm.

Tuy nhiên, chỉ một ngày trước khi báo cáo của chính quyền Australia được đưa ra, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm bảo vệ Great Barrier Reef đã phê chuẩn kể hoạch đổ hàng triệu mét khối bùn nạo vét xuống gần khu vực đó, để mở rộng cảng than Abbot Point ở miền bắc Queensland. Các nhà môi trường Australia đã phản ứng gay gắt trước quyết định này, cho rằng việc đổ bùn sẽ gây nguy hại cho các rạn san hô và cỏ biển.

Một báo cáo của Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), công bố hồi tháng 5/2013, đã cảnh báo rạn san hô Great Barrier Reef có thể bị liệt vào danh sách các di sản thiên nhiên thế giới trong tình trạng nguy hiểm, nếu Chính phủ Australia không kịp thời thực thi các biện pháp bảo vệ bổ sung trước tháng 2/2014.

Rạn san hô Great Barrier Reef có chiều dài hơn 2.300km dọc theo bờ biển tiểu bang Queensland và có diện tích khoảng 346.000km2.

Nếu rạn san hô Great Barrier Reef bị xóa sổ, ngành du lịch trị giá 6 tỷ AUD (khoảng 5,25 tỷ USD) ở khu vực này của Australia cũng sẽ không còn tồn tại và nhiều ngành khác như đánh bắt cá sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo TTXVN/Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video