Rào cản lớn nhất Công nghệ sinh học tại Việt Nam?

Công nghệ sinh học (trong đó có công nghệ biến đổi gen) được coi là một trong những ngành công nghệ mũi nhọn để phát triển đất nước, nhưng ở nước ta vẫn còn mới mẻ. Để hiểu sâu hơn về lĩnh vực này, phóng viên VietNamNet đã tiếp xúc với GS. TSKH Lê Trần Bình, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Chủ tịch Hội đồng ngành Công nghệ Sinh học.

Phóng viên (PV): - Thưa giáo sư, vấn đề sinh vật biến đổi gen được thế giới đưa vào thực tiễn sản xuất từ lâu và hiệu quả của nó, như bản báo cáo của giáo sư, thật to lớn. Vậy mà mãi đến bây giờ, chính xác hơn từ năm 2007 chúng ta mới triển khai. Theo giáo sư, như vậy là sớm hay muộn? Vì sao?

GS.TSKH Lê Trần Bình (GS. LTB): - Trên lĩnh vực nghiên cứu sinh vật biến đổi gen Việt Nam đã có những phòng thí nghiệm và cán bộ khoa học bắt đầu từ cách đây gần hai mươi năm. So với thế giới thì chỉ chậm hơn những nước tiên phong một nhịp 10 năm. Tuy nhiên, trên lĩnh vực sản xuất đại trà và thương mại hóa thì hiện nay chúng ta đang có những bước chuẩn bị rất tích cực cả về các văn bản pháp lý của nước ta và hướng dẫn thực hiện.

GS.TSKH Lê Trần Bình (đứng giữa) trong phòng thí nhiệm.

Nhưng cây trồng chuyển gen, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn chưa có mặt chính thức trên đồng ruộng Việt Nam. Năm 2007 là năm mà Nhà nước ta ban hành Luật An toàn sinh học, trong đó có nội dung liên quan đến sinh vật chuyển gen. Nhiều văn bản trước đó cũng đã đề cập đến nội dung này.

Việc đánh giá “sớm hay muộn” tùy thuộc vào nội dung nào. Trên lĩnh vực nghiên cứu thì không bao giờ muộn, nhưng trên lĩnh vực quản lý thì đang có nhiều cố gắng, còn đối với sản xuất thì cần phải tăng cường khả năng kiểm soát để lĩnh vực thương mại không bị ảnh hưởng. Ai đó có đánh giá “sớm hay muộn” cũng chỉ thể hiện mức độ mong mỏi của cá nhân nhiều hơn, còn cả xã hội thì phải chuẩn bị để cho sự việc chín muồi, và khi sự việc đã chín nó sẽ xảy ra. 

- Những người (cá nhân, tổ chức) phản đối sinh vật biến đổi gen có những lý do gì "ngoài khoa học"?

Những cây trồng chuyển gen trong vườn thí nghiệm
- Đây là một câu hỏi và câu trả lời thuộc nội dung nhạy cảm. Những người chủ xướng phản đối và “theo đuôi” phản đối đều chưa đưa ra được bằng chứng khoa học về những quan ngại của họ về sinh vật chuyển gen. Còn lại thì không thể kể rạch ròi vì sao họ lại chỉ thích những gì “không thuộc công nghệ cao”.

- Việc thử nghiệm cần bao nhiêu thời gian để có thể kết luận sinh vật (lương thực) biến đổi gen hoàn toàn an toàn sinh học? Đã có trường hợp nào chúng ta nhập giống (lương thực) chuyển gen mà không biết không? Để bảo đảm đa dạng sinh học, có cần cách ly sinh vật (cây) chuyển gen với sinh vật vốn có trong thiên nhiên không?

- Qui chế thử nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo sắp được ban hành sẽ cho biết cần làm gì và làm bao lâu. Còn việc nhập lậu thì như đã nêu ở phần trả lời câu hỏi 1, tình trạng quản lý của nước ta còn phải cố gắng nhiều mới làm nổi việc đó.

Cây trồng chuyển gen khi đang trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu thì cần được cách ly, nhất là ở giai đoạn đánh giá trong nhà kính nhà lưới. Còn khi trồng đại trà, ở các nước có diện tích lớn trồng cây chuyển gen thì họ dành một tỷ lệ nhỏ diện tích vành đai trồng cây cùng giống nhưng không chuyển gen để làm nơi sơ tán của các sinh vật khác.

Đây là thông lệ quốc tế. Không tiến hành cách ly cây chuyển gen ở giai đoạn sản xuất đại trà.

- Khi chúng ta đã khảo nghiệm thành công, liệu chúng ta có đủ khả năng cung cấp giống thường xuyên và với lượng lớn không? Vấn đề thoái hoá của giống?

- Còn quá sớm để trả lời câu này. Nếu là giống thuần thì người sản xuất (nông dân) có thể tự để giống, như xưa kia người ta vẫn làm. Trong nền trồng trọt tiên tiến hiện nay không quốc gia nào khuyến khích nông dân tự làm giống cả. Phải có công ty giống chuyên nghiệp, giống như hệ thống cung ứng giống ngô lai, giống lúa lai hay các loại giống rau vụ đông (su hào, bắp cải, hành tây…).

Vậy thì cái gì các công ty trong nước làm được thì họ sẽ làm, còn cái gì phải nhập thì sẽ nhập, nhưng phải tuân thủ theo qui định chung của nước xuất và nước nhập. Giống thoái hóa hay giống không phù hợp nữa là chuyện hoàn toàn bình thường. Nếu có cạnh tranh thì cái gì có tốt mới được lưu hành. Vẫn là vấn đề của quản lý xã hội và trình độ nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng. 

Thí nghiệm cây biến đổi gen. (Ảnh minh họa: VNN)

- Hiện nay còn rào cản nào hạn chế việc phát triển sinh vật biến đổi gen ở nước ta không?

- Rào cản lớn nhất là trình độ KH&CN nước ta thuộc hàng chưa cao trong khu vực và trên thế giới. Trình độ đó thể hiện ở năng lực nghiên cứu, năng lực quản lý, năng lực tổ chức sản xuất, tổ chức thương mại… Và cái “cổ chai” vẫn là khả năng đầu tư còn rất khiêm tốn.

- Vấn đề tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng đang là xu hướng chung của thế giới (Mỹ có kế hoạch đưa lên 30%, Đức trên 50%) và của cả nước ta. Một báo cáo của giáo sư có đề cập vài nét đến vấn đề này. Xin giáo sư cho biết thêm về khả năng của nó.

- Năng lượng tái tạo là xu thế bắt buộc của thế giới hiện đại. Nước ta không rộng đất cho canh tác, nhưng diện tích mặt nước, nhất là mặt biển thì rất rộng. Nếu nhằm vào công nghệ sản xuất sinh khối tái tạo nhờ vào mặt nước thì chúng ta không những thành công mà còn có những đóng góp cho nhân loại về lĩnh vực này.

- Xin chân thành cảm ơn giáo sư.

Theo Tuấn Hà - Vietnamnet (thực hiện)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video