Gần 1 năm sau khi hạ cánh thành công lên sao hỏa, robot thám hiểm tự hành Curiosity của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ chuyển sang chế độ tự lái.
Một tấm ảnh do robot Curiosity tự chụp chính mình gửi về từ sao Hỏa. (Ảnh: Gizmodo)
Bắt đầu từ hôm 27/8, robot này sẽ sử dụng hệ thống định vị tự động và bước đầu đi vào thám hiểm các vùng địa hình không được dự tính trước.
Trước đó, tất cả đường đi của Curiosity đều được phê chuẩn trước bởi những người lái tại NASA, dựa theo các thông tin thu được từ hình ảnh địa hình 3 chiều (stereotactic) gửi về trái đất. Nhưng trong một kế hoạch để khám phá thêm nhiều vùng khác, nay cỗ xe tự hành này sẽ có thể sử dụng hệ thống tự phân tích các hình ảnh và tự vạch ra hướng đi dễ dàng nhất cho mình. Hệ thống định vị này cũng đã được trang bị cho Oppoturnity - một robot tự hành khác trên sao Hỏa.
Phương án này đặc biệt hiệu quả để Curiosity có thể tăng thêm khoảng cách di chuyển nhờ cắt giảm thời gian chờ lệnh từ trái đất. Cụ thể, robot sẽ có thể di chuyển thêm được 10m mỗi ngày, nghe có vẻ quá ít nhưng cũng đã giảm thời gian di chuyển của Curiosity xuống hơn 1/4 so với trước kia. Hiện Curiosity đang di chuyển đến gần ngọn núi Sharp với hy vọng sẽ thu thập được các mẫu đất giúp hé lộ manh mối về lịch sử địa chất hình thành hành tinh đỏ.