Các nhà khoa học vừa tìm được bằng chứng cho thấy loài thằn lằn lớn nhất thế giới đang còn sống - rồng Komodo - nhiều khả năng đã tiến hóa tại Úc và phân tán về hướng tây đến nơi cư trú hiện nay ở các đảo Indonesia.
Trước đó, các nhà nghiên cứu cho rằng rồng Komodo (Varanus komodoensis) có nguồn gốc từ một loài nhỏ hơn bị cô lập trên những hòn đảo ở Indonesia. Để cạnh tranh với các loài săn mồi khác, chúng đã phát triển dần kích thước của mình.
Tuy nhiên hơn ba năm qua, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã khai quật nhiều hóa thạch ở miền đông Úc có niên đại 300.000 - 4.000.000 năm trước và khẳng định chúng thuộc về loài rồng Komodo.
Rồng Komodo (Ảnh: Dita Alangkara)
"Khi so sánh các hóa thạch này với xương của những con rồng Komodo hiện nay, chúng tôi thấy chúng giống hệt nhau - Scott Hocknull, nhà nghiên cứu cổ sinh vật học về các loài có xương sống tại Bảo tàng Queensland, Úc, cho biết - Giờ thì chúng ta có thể nói Úc là nơi sinh ra loài rồng Komodo dài 3m".
Theo nhóm nghiên cứu của Scott Hocknull, tổ tiên của rồng Komodo nhiều khả năng phát triển tại Úc và lan rộng về phía tây, đến đảo Flores ở Indonesia khoảng 900.000 năm trước. So sánh giữa các hóa thạch và rồng Komodo hiện đang sống trên đảo Flores, họ nhận thấy kích thước cơ thể của loài thằn lằn này tương đối ổn định kể từ thời điểm đó.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao những con rồng Komodo bị tuyệt chủng ở nước Úc nhưng còn sống sót trên vài hòn đảo xa ở Indonesia. Theo Hocknull, nguyên nhân có thể do sự tác động của khí hậu.
Hiện nay, rồng Komodo đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, với số lượng chỉ khoảng 5.000 con sống tại một số đảo ở miền đông Indonesia, giữa Java và Úc.