Rùa hồ Gươm và chuyện công bố quốc tế

Những thảo luận chung quanh câu hỏi “cụ rùa” Hồ Gươm có phải là một loài mới đặt ra vấn đề công bố quốc tế trong nghiên cứu khoa học.

Thật ra, câu hỏi không nên đặt ra, bởi vì công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san khoa học quốc tế gần như là một điều tất yếu trong hoạt động khoa học.

Chuẩn mực trong nghiên cứu

GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện y khoa Garvan (Sydney, Australia).

Sau khi cụ rùa được di dời vào khu “đặc trị” và xét nghiệm lại xuất hiện một tranh cãi đáng lẽ không cần tranh cãi. Khi được hỏi có nghi ngờ về rùa Hồ Gươm là một giống rùa mới trên thế giới, và khi được báo chí hỏi có nên công bố cho cộng đồng khoa học quốc tế biết, nhiều chuyên gia hàng đầu lí giải dài dòng để trả lời một chữ đơn giản: không. Không công bố trên các tập san khoa học quốc tế về giống rùa (có thể) là mới này. Đó là một cách làm khoa học rất lạ. Lạ vì không đúng chuẩn mực nghiên cứu khoa học.

Một trong những chuẩn mực trong nghiên cứu khoa học là kết quả phải được công bố trên các tập san có bình duyệt (peer review). Những bài báo hay kết quả trên các tập san này được xem là những chứng từ khoa học. Những chứng từ này sẽ được lưu lại trong khoa học như là tri thức, và sẽ được đồng nghiệp quốc tế trích dẫn như là những dữ liệu thật đã qua kiểm chứng và bình duyệt nghiêm chỉnh.

Trong nhiều trường hợp, những chứng từ này có thể thụ lí trong các phiên tòa. Chẳng hạn như trong một phiên tòa trước đây ở Mĩ một chuyên gia xuất hiện trước tòa trong vai trò nhân chứng báo cáo rằng ông phát triển một kĩ thuật có thể đo lường huyết áp và biết người đó nói thật hay nói dối. Tuy nhiên tòa không chấp nhận chứng cứ đó, vì ông chưa bao giờ công bố sáng kiến của mình trên một tập san khoa học có bình duyệt.

Cần phải phân biệt tập san có bình duyệt và tập san không có bình duyệt. Tất cả các tập san khoa học quốc tế trong danh mục ISI đều có ban biên tập mà thành viên từ nhiều nước trên thế giới, và cơ chế bình duyệt tốt. Thông thường, một bài báo khoa học gửi đến cho tập san phải trải qua 2 hoặc 3 lần bình duyệt của các chuyên gia quốc tế trong ngành.

Các chuyên gia này được chọn để bình duyệt bài báo vì họ có uy tín trên trường quốc tế (thể hiện qua thành tích nghiên cứu cá nhân) và có quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu.Tuy cơ chế bình duyệt chưa phải là hoàn hảo, nhưng đó là cơ chế tốt nhất hiện nay.

Cơ hội hợp tác quốc tế trong khoa học

Trên thế giới có rất nhiều (trên 100.000 tập san khoa học) nhưng chỉ có khoảng 16.000 tập san được công nhận. Được “công nhận” ở đây có nghĩa là nằm trong danh bạ ISI (Viện thông tin khoa học – Institute of Scientific Information). Cho đến nay, các nước như Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc có một số tập san khoa học nằm trong danh bạ ISI. Riêng Việt Nam chưa có một tập san khoa học được ISI công nhận.

Một trong những khác biệt chính giữa tập san khoa học Việt Nam và quốc tế là cơ chế bình duyệt. Phần lớn các tập san khoa học Việt Nam, nhất là ngành y sinh học, không có ban biên tập quốc tế, không có cơ chế bình duyệt nghiêm chỉnh. Thật vậy, phần lớn các tập san Việt Nam không có ban biên tập quốc tế và cũng chẳng có bình duyệt. Vì thế, có thể nói rằng những công trình công bố trên các tập san khoa học Việt Nam có chất lượng thấp hoặc rất thấp.


Đưa rùa hồ Gươm lên bờ để chữa trị vết thương.

Từ kinh nghiệm đó, có thể nói rằng quan điểm chỉ công bố loài rùa mới (nếu thật sự mới) trên tập san khoa học Việt Nam là một quan điểm có tầm nhìn ngắn và hẹp. Nếu chỉ công bố trên tập san Việt Nam, thì sẽ có rất ít người đọc, và đồng nghiệp quốc tế không có cơ hội để thẩm định giá trị của nghiên cứu. Một khám phá loài vật quí hiếm -- nếu phương pháp phân tích đúng -- mà chỉ công bố trên tập san Việt Nam thì làm sao có cơ hội trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp quốc tế.

Cần nhấn mạnh rằng không có nhà khoa học nào nghĩ đến chuyện công bố trên các tập san ít người đọc nếu công trình nghiên cứu của họ thật sự có giá trị, nếu họ thật sự tự tin là mình đã làm đúng phương pháp và sẵn sàng đối phó với những phản biện của đồng nghiệp. Do đó, công bố quốc tế là một cách “thử lửa” hữu hiệu nhất về những khám phá mới.

Thật ra, công bố quốc tế về những khám phá động vật và thực vật mới không phải là điều gì mới đối với giới khoa học Việt Nam. Năm 1993, các nhà khoa học Việt Nam đã từng công bố khám phá một số động vật độc đáo tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) trên tập san Nature (một tập san khoa học số 1 trên thế giới).

Quay lại câu chuyện rùa Hồ Gươm, có người phân vân không biết đó có phải là một loài rùa mới. Là người “ngoại đạo”, tôi nghĩ một cách đơn giản nhất là soạn thảo thành một bài báo khoa học, mô tả chi tiết phương pháp và kết quả xét nghiệm, gửi cho một tập san quốc tế. Nơi đó, người ta có những chuyên gia trong ngành đầy đủ thẩm quyền và uy tín khoa học thẩm định và có thể cho chúng ta câu trả lời. Do đó, công bố quốc tế cũng là một hình thức thẩm định độc lập và cơ hội để giao lưu với các chuyên gia quốc tế, những người có thể sẽ hợp tác với Việt Nam sau này.

Một điều đáng buồn là có khi chúng ta biết ít về đất nước, con người, và môi trường Việt Nam hơn người nước ngoài. Trong một thời gian dài, Việt Nam là nơi để các nhà khoa học nước ngoài xây dựng sự nghiệp, bằng cách dựa vào chất liệu Việt Nam. Cho đến nay, tình trạng đó vẫn chưa thay đổi nhiều. Những lùm xùm chung quanh “cụ rùa” Hồ Gươm cho thấy thông tin cơ bản về động vật quí hiếm vẫn là … hiếm hoi.

Chẳng ai biết rùa Hồ Gươm thuộc chủng nào loại. Không ai biết những thông số cơ bản của rùa Hồ Gươm. Thậm chí, không ai biết trong lòng Hồ Gươm có bao nhiêu con rùa! Chúng ta vẫn không biết về môi trường chúng ta. Trong bối cảnh đó mà bàn chuyện có nên công bố hay không công bố quốc tế thì quả thật phản cảm.

Xin nhắc lại một thực tế rằng sự hiện diện của khoa học Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn trên trường quốc tế. Dù chúng ta có gần 9000 giáo sư và phó sư cùng với gần 3 vạn tiến sĩ, mỗi năm Việt Nam chỉ công bố được khoảng 1000 bài báo khoa học trên tập san quốc tế. Trong khi số ấn phẩm từ các nước trong vùng như Thái Lan, Mã Lai, Singapore tiếp tục tăng nhanh, thì ở nước ta lại có quan điểm ngược với trào lưu thế giới (kêu gọi Việt Nam không nên khuyến khích các nhà khoa học công bố quốc tế)!

Thật ra, Việt Nam cần phải tăng cường số lượng (và chất lượng) ấn phẩm khoa học trên trường quốc tế, và ngay bây giờ chính là thời điểm lí tưởng để nâng cao sự hiện diện của khoa học Việt Nam lên một nấc thang cao hơn.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn

Theo Đất Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video