Tiếp tục chơi thể thao khi gặp chấn động mạnh có thể dẫn đến chấn thương sọ não, gây chảy máu trong não.
Ngày 21/11, tại trận gặp Anh, vòng bảng World Cup 2022, cầu thủ Ali Beiranvand của Iran đã gặp chấn động mạnh ở vùng đầu trong tình huống va chạm với đồng đội Majid Hosseini.
Thủ môn 30 tuổi lập tức ngã xuống và được các nhân viên y tế kiểm tra trên sân. Ban đầu, anh được phép tiếp tục thi đấu. Nhưng sau khi các nhân viên y tế rời sân, anh một lần nữa ngã xuống và ra hiệu thay người. Cuối cùng, Beiranvand được chuyển đến một bệnh viện gần sân vận động để kiểm tra đề phòng.
Việc Beiranvand ban đầu được phép tiếp tục thi đấu gây phẫn nộ cho nhiều người hâm mộ bóng đá. Jonas Baer-Hoffman, Tổng thư ký Hiệp hội Các cầu thủ Bóng đá Toàn cầu (FIFPro), nhận định: "Đã là trận thứ hai của World Cup và các biện pháp bảo vệ cầu thủ chấn thương đầu vẫn chưa được triển khai. Alireza Beiranvand lẽ ra phải được thay ra ngay lập tức để kiểm tra".
Thực tế, việc tiếp tục chơi thể thao khi đang gặp chấn động chưa được chẩn đoán, đặc biệt là vùng đầu, để lại nhiều rủi ro.
Chấn động mạnh vùng đầu là một dạng chấn thương sọ não (TBI). Khi đó, bộ não bị xô đẩy qua lại bên trong hộp sọ. Các biểu hiện ban đầu có thể bao gồm chóng mặt, buồn nôn, co giật, mệt mỏi và mờ mắt. Triệu chứng lâu dài dễ dẫn đến tổn thương não vùng nhận thức. Các vận động viên bị chấn động mạnh nhiều khả năng mắc chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer sau này. Chấn thương quá nghiêm trọng cũng có thể gây chảy máu trong não.
Các vận động viên tiếp tục thi đấu ngay sau chấn động có thể mắc hội chứng tác động thứ cấp (SIS). Điều này xảy ra khi vận động viên bị chấn thương lần thứ hai trong thời gian ngắn (khoảng 10 ngày) kể từ lần đầu tiên, khiến não sưng lên vì các triệu chứng từ chấn động trước đó chưa giảm bớt. Đây là tình huống hiếm gặp trong thể thao, nhưng nó để lại hậu quả nghiêm trọng.
Thủ môn Alireza Beiranvand của Iran sau chấn thương trong trận gặp Anh tại Sân vận động Quốc tế Khalifa ở Doha, Qatar, ngày 21/11. (Ảnh: AP)
Các triệu chứng của chấn động khó phát hiện vì chúng không xuất hiện ngay sau va chạm, đến và đi trong thời gian ngắn và có thể bị nhầm lẫn với một số chấn thương khác.
Chấn động cũng khó chẩn đoán ngay trên sân, bởi đội ngũ y tế không đủ thiết bị để chiếu chụp não kịp thời. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể phát hiện dấu hiệu chấn động sau tình huống va chạm thông qua các biểu hiện lâm sàng. Đây là lý do vì sao các vận động viên phải luôn được chăm sóc y tế ngay sau bất kỳ chấn động nào có thể dẫn đến TBI.
Thực tế, FIFA có một Giao thức về Chấn động trong Bóng đá. Theo đó, mỗi đội tuyển tại World Cup 2022 được phép thay người bổ sung nếu một cầu thủ bị chấn thương hoặc nghi ngờ chấn động, bên cạnh 5 lần thay người theo quy định trước đó.
Premier League và EFL đã thử nghiệm quy trình xử lý này kể từ đầu năm 2021. Cúp FA vạch ra quy trình gồm 6 bước, mỗi bước mất ít nhất một ngày, có nghĩa là cầu thủ không thể trở lại thi đấu trong ít nhất 6 ngày kể từ chấn thương. Cầu thủ phải được kiểm tra thường xuyên và có giấy xác nhận "hoàn toàn bình thường" từ đội ngũ y tế.
Giao thức Chấn động trong Bóng đá của FIFA phác thảo khung thời gian tương tự. Cầu thủ cần trải qua 6 giai đoạn kiểm tra, mỗi giai đoạn có ít nhất một buổi đào tạo kéo dài tối thiểu 24 giờ. Trong trường hợp các triệu chứng xấu đi hoặc tái phát, người chơi cần tiếp tục nghỉ ngơi cho đến khi bình phục hoàn toàn.
Hàng năm, có tới 3,8 triệu ca chấn thương đầu liên quan đến thể thao nói chung, chẳng hạn cầu thủ bị va chạm vùng đầu với đồng đội, đối thủ hoặc đập đầu xuống sân.
Ước tính, khoảng 50% đến 70% chấn động này không được báo cáo. Nguyên nhân một phần do các cầu thủ có tình yêu thể thao mãnh liệt, họ sợ rằng chấn thương sẽ cản trở sự phát triển. Một số người chơi thậm chí không kịp nhận ra họ bị chấn thương đầu.
Phương pháp điều trị chấn thương sọ não liên tục phát triển. Tuy nhiên, có một nguyên tắc không đổi, đó là não cần phải nghỉ ngơi để phục hồi sau chấn động. Dù vậy, các vận động viên luôn nóng lòng muốn biết khi nào họ có thể thi đấu trở lại. Trong quá khứ, văn hóa cạnh tranh của điền kinh khiến nhiều người có tâm lý nguy hiểm: muốn trở lại sân tập càng sớm càng tốt.
Thực tế, không có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi "Khi nào một người chấn thương vùng đầu có thể thi đấu trở lại?". Thay vào đó, huấn luyện viên, các tổ chức, cơ quan thể thao cũng như bản thân vận động viên cần có nghĩa vụ tuân theo hướng dẫn y khoa.
Các nguyên tắc này có thể khác nhau tùy vào bộ môn thể thao. Tuy nhiên, nhìn chung, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Hiệp hội Thể thao Đại học Quốc gia (NCSS) thường khuyến nghị nghỉ ngơi ngay khi vận động viên gặp chấn thương.