Sản phụ ôm con trong 60 phút sau sinh sẽ giảm nguy cơ băng huyết

Việc tiếp xúc da kề da với đứa trẻ giúp tử cung người mẹ co hồi tốt, tránh nguy cơ bị băng huyết sau sinh.

Bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện CIH TP HCM, cho biết việc tiếp xúc da kề da giữa mẹ và trẻ sơ sinh mang lại rất nhiều lợi ích, như tăng ham muốn được bú sữa mẹ của trẻ, bé bớt khóc. Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được áp dụng phương pháp này có nhịp tim ổn định và hơi thở đều đặn hơn. Da của bé cũng được tiếp xúc với các loại vi khuẩn có lợi trên cơ thể mẹ, nhờ đó tăng sức đề kháng và chống nhiễm trùng.

Thêm vào đó, việc tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau khi sinh còn giúp trẻ tránh bị hạ thân nhiệt, suy hô hấp. Lúc này, trẻ nhận thêm một lượng máu từ mẹ truyền sang, tăng thêm lượng sắt cho cơ thể để dự trữ trong vòng 6 đến 8 tháng, nhờ đó tránh nguy cơ bị thiếu máu.


Phương pháp da kề da tốt cho cả mẹ và bé sơ sinh. (Ảnh: Health).

Theo bác sĩ Xuyến, phương pháp da kề da (hay chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu) chỉ đơn giản là đặt trẻ sơ sinh lên trên ngực trần của sản phụ. Ngực, bụng và chân của con áp sát vào người mẹ, không có khoảng trống, đầu bé nghiêng về một bên. Phía trên thân của trẻ được đắp một tấm chăn ấm. Ngực trần của mẹ là nơi hoàn hảo nhất giúp trẻ sơ sinh phục hồi sau những căng thẳng của hành trình “vượt cạn”. Trừ khi cần có sự can thiệp y tế ngay lập tức, nếu không tất cả trẻ sơ sinh nên được nghỉ ngơi trên ngực mẹ ít nhất một giờ sau khi bé chào đời.

Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) đưa ra quy trình thực hiện da kề da 6 bước, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) như sau:

Bước một

Ngay sau khi thai sổ, lập tức lau khô toàn thân trẻ trong vòng 30 giây, đồng thời xác định giới tính, thời điểm chào đời (giờ, phút, giây). Sau đó đặt trẻ nằm sấp trên bụng mẹ, tiếp xúc da kề da, phủ khăn khô để giữ ấm, hướng dẫn người mẹ cách ôm con và tiến hành đánh giá hô hấp của trẻ.

Bước hai

Kiểm tra tử cung để chắc chắn không còn thai nào nữa. Tiến hành tiêm bắp đùi 10 IU Oxytocin.

Bước ba

Chờ dây rốn ngừng đập (từ một đến ba phút) mới tiến hành kẹp rốn cách chân rốn từ 2 đến 5 cm, cắt ở giữa hai kẹp một thì.

Bước bốn

Kéo dây rốn có kiểm soát trong khi trẻ vẫn nằm trên ngực mẹ.

Bước năm

Sau khi nhau sổ, xoa đáy tử cung 15 phút một lần trong 2 giờ đầu sau khi sinh, đảm bảo tử cung gò tốt và theo dõi chảy máu.

Bước sáu

Hướng dẫn người mẹ các dấu hiệu thể hiện rằng bé đã sẵn sàng bú. Cần cho trẻ bú sớm và hoàn toàn trong giờ đầu sau sinh. Thường sau 20 đến 60 phút trẻ sẽ có phản xạ bú. Thực hiện da kề da ít nhất 90 phút sau sinh, các chăm sóc sơ sinh khác nên thực hiện sau cử bú đầu tiên.

Theo bác sĩ Xuyến, phương pháp da kề da không chỉ có ý nghĩa với trẻ sơ sinh mà còn tốt cho sản phụ. Cụ thể, giúp tử cung sản phụ co hồi tốt, tránh băng huyết sau sinh, tạo thuận lợi cho việc nuôi con bằng sữa mẹ, kéo dài thời gian vô kinh. Nhiều bà mẹ chia sẻ rằng khoảnh khắc thiêng liêng nhất khi sinh con là được nghe tiếng bé khóc, trao cho con cái ôm đầu tiên để bé cảm nhận được hơi ấm qua vòng tay mẹ. Khi ấy mọi đau đớn như tan biến hết.

Trong trường hợp sản phụ cảm thấy không khỏe hoặc thuốc gây mê vẫn còn tác dụng, bố cũng có thể thay thế mẹ để tiếp xúc da kề da với bé. Đây là một cơ hội tốt để người cha tương tác với đứa trẻ. Việc ôm bé, da kề da giúp trẻ bình tĩnh hơn, giảm tiếng khóc thét và tạo điều kiện cho sự phát triển các hành vi trước khi bú mẹ.

“Liên tục tiếp xúc da kề da còn giúp bố và con liên kết với nhau. Em bé sẽ cảm thấy an toàn trên ngực bố và ngược lại, bố cũng sẽ học được cách nhận biết các tín hiệu của trẻ”, bác sĩ Xuyến nói.

Cập nhật: 28/11/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video