Sẵn sàng phòng chống cúm A/H1N1 giai đoạn 3

TP.HCM đã phát hiện trên 350 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 và ổ dịch cúm đầu tiên trong cộng đồng (tại Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm, P.Phước Long A, Q.9) đã lây lan rất nhanh với 61 học sinh và giáo viên mắc bệnh.

Chỉ trong hôm qua 21-7, tại TP.HCM đã diễn ra ba cuộc họp và kiểm tra về tình hình cúm A/H1N1, trong khi tại Đồng Nai và Lâm Đồng có thêm diễn biến mới từ ổ dịch ở Trường Ngô Thời Nhiệm. 

Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng điều tra dịch tễ tại Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (Q.9, TP.HCM) sáng 21-7 (Ảnh: L.TH.H)

Còn mầm bệnh, không khai giảng

Sáng 21-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và Sở Y tế TP tiếp tục đến Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm để kiểm tra và chỉ đạo việc phòng chống cúm A/H1N1 tại trường này. Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh - hiệu trưởng nhà trường - cho biết trường đã tổ chức chia làm ba khu vực để cách ly, theo dõi điều trị. Tại trường hiện còn 53 học sinh đang được cách ly theo dõi, điều trị.

Theo ông Nguyễn Văn Châu - giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đây là trường hợp chùm ca bệnh rất lớn xảy ra ở trường nội trú nên điều kiện lây lan dữ dội. Chùm ca bệnh này xuất phát từ một ca bệnh ở Đồng Nai vào ngày 15-7. Hiện bệnh viện dã chiến tại trường đang điều trị 8 ca dương tính và 5 ca sốt, chưa có kết quả xét nghiệm. Mỗi ngày số lượng học sinh bị sốt đang tăng dần. 

Sở Y tế đã lập danh sách toàn bộ học sinh và phân loại nguy cơ: tiếp xúc gần, vừa phải và xa để có giải pháp giám sát dịch tễ cho phù hợp. Danh sách học sinh của trường ở các địa phương được chuyển cho Viện Pasteur TP.HCM để viện này chỉ đạo cho hệ thống y tế ở các tỉnh giám sát các em khác. Riêng danh sách 242 học sinh ở TP.HCM học trường này cũng được gửi đến 24 trung tâm y tế dự phòng quận huyện để giám sát sức khỏe hằng ngày.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhận xét tình hình dịch diễn biến rất phức tạp, ông yêu cầu “tập trung chống dịch, không để xảy ra tử vong”. Về phía Trường Ngô Thời Nhiệm, ông Quân đề nghị phải có thư thông báo đến tất cả phụ huynh học sinh chủ động tự cách ly, chủ động phòng bệnh. Khi nào tình hình dịch ổn định, không còn mầm mống bệnh tại trường thì mới khai giảng năm học mới. Trước khi nhập học, học sinh phải có giấy khám sức khỏe (dù có bệnh hay không), chi phí ngành y tế phải lo.

Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM lấy dịch tiết mũi, họng để xét nghiệm chẩn đoán cho học sinh Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (Q.9, TP.HCM) đang được cách ly tại trường sáng 21-7 (Ảnh: L.TH.H)

Chiều 21-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao Trọng Ngưỡng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai - cho biết hiện Đồng Nai chỉ còn 9 ca dương tính với virus cúm A/H1N1, trong đó có 8 trường hợp ở ấp Việt Kiều bị lây bệnh đang được theo dõi ở Bệnh viện Đa khoa Xuân Lộc và trường hợp còn lại là Nguyễn Quốc Tạo (học sinh Trường Ngô Thời Nhiệm, TP.HCM) đang theo dõi ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Theo ông Ngưỡng, trong ngày 21-7 cơ quan y tế đã giám sát bốn học sinh ở Trường Ngô Thời Nhiệm có địa chỉ thường trú ở ấp Long Đức, xã Tam Phước, huyện Long Thành. Hiện chỉ một mình học sinh Ngô Sĩ Đạt có biểu hiện viêm họng đường hô hấp nên cán bộ y tế đã lấy mẫu để phân tích. Ông Ngưỡng cũng lưu ý đến nay Đồng Nai xảy ra bốn ổ dịch làm 40 trường hợp dương tính với virus cúm A/H1N1, riêng ấp Việt Kiều có 23 trường hợp.

Trong khi đó, tin từ Sở Y tế Lâm Đồng cho biết kết quả xét nghiệm từ mẫu bệnh phẩm của ba học sinh ở Lâm Đồng theo học tại Trường Ngô Thời Nhiệm (TP.HCM) đang nghỉ hè tại địa phương thì có hai mẫu xét nghiệm bệnh phẩm dương tính với cúm A/H1N1. Tỉnh này có 50 học sinh đang theo học tại Trường Ngô Thời Nhiệm.

Chuẩn bị đối phó khi dịch chuyển sang giai đoạn 3

Chiều 21-7, báo cáo tại cuộc họp với ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1 TP.HCM, ông Nguyễn Văn Châu cho biết hiện TP.HCM đã phát hiện 351 ca dương tính với cúm A/H1N1. Dự báo khả năng lây lan dịch trong cộng đồng rất cao, số ca mắc bệnh sẽ tăng rất nhanh từ hai chùm ca bệnh ở Đồng Nai và Trường Ngô Thời Nhiệm. Khi dịch đã lây lan ra cộng đồng, đối tượng mắc bệnh sẽ rộng hơn nên khả năng xảy ra tử vong cũng cao hơn.

Đáng lưu ý là nguy cơ dịch có thể lan ra nhiều trường học, công ty, xí nghiệp, cơ quan, đặc biệt là những khu lao động nghèo, khu nhà trọ của công nhân sẽ dễ lây lan bệnh do điều kiện hoàn cảnh. Hiện đã có thêm một sinh viên của Đại học RMIT (TP.HCM) có khả năng dương tính với cúm A/H1N1 nên nguy cơ lây lan dịch trong trường học sẽ còn xảy ra.

Ông Châu cũng cho biết chiều cùng ngày, Sở Y tế và Sở Giáo dục - đào tạo đã có cuộc họp khẩn và thông tin, tổ chức tập huấn cho các phòng giáo dục về tình hình cúm A/H1N1 để có kiến thức hướng dẫn, giám sát học sinh bảo vệ sức khỏe của mình. Sở Y tế đề nghị trước khi vào năm học mới, 100% các trường học phải sát khuẩn toàn bộ trường và sát khuẩn định kỳ hằng tuần. Hai sở cũng sẽ có ký kết liên tịch về công tác này.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thành Tài - phó chủ tịch UBND TP.HCM - chỉ đạo ngành y tế, các quận huyện, sở ngành phải tỉnh táo, khẩn trương trong việc phòng chống dịch, không để người dân quá hoang mang và cũng không khiến dân mất cảnh giác.

Ông Tài nói dù dịch đang ở giai đoạn 2 (lây lan nhanh trong cộng đồng) nhưng TP.HCM và ngành y tế phải chuẩn bị tinh thần, tư thế khi dịch chuyển sang giai đoạn 3 (nguy hiểm hơn vì tử vong nhiều). Ông đề nghị Sở Y tế phải có kế hoạch chi tiết để chuẩn bị đối phó khi dịch chuyển sang giai đoạn 3. Kế hoạch phải “phân vai” trường hợp nào thì theo dõi, điều trị tại nhà; trường hợp nào thì đến cơ sở y tế phường xã, quận, huyện, thành phố và để khi dịch chuyển giai đoạn thì đã có biện pháp ứng phó chủ động và có sức để đối phó với dịch kéo dài.

Ngày 21-7, VN đã ghi nhận thêm 35 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Như vậy, đến nay VN đã ghi nhận 443 trường hợp dương tính cúm A/H1N1. Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch cúm A/H1N1 tại VN đang ở giai đoạn 2A.  

Dịch cúm có nguy cơ bùng phát mạnh trong mùa đông

Virus cúm A/H1N1 lây lan nhanh trong cộng đồng, thời gian tới là thời điểm học sinh, sinh viên tựu trường năm học mới, là điều kiện virus lây lan, bùng phát thành dịch tại cơ quan, trường học, cộng đồng. Hôm qua 21-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn ký văn bản như trên báo cáo Chính phủ về tình hình dịch cúm A/H1N1. Theo đó, Bộ Y tế nhận định dịch cúm A/H1N1 dễ bùng phát mạnh trong mùa đông năm nay do thời tiết thuận lợi cho virus phát triển. Tại VN, nhiều trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng của bệnh, dẫn đến nguy cơ lây lan trong cộng đồng do không được cách ly.

Cùng ngày, Bộ Y tế có văn bản gửi các tỉnh thành, đề nghị tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, đặc biệt tại cơ quan, trường học, cộng đồng, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan. Bộ Y tế cũng yêu cầu sở y tế tổ chức cho đội cơ động trực luân phiên 24/24g. Sở giáo dục - đào tạo phối hợp với ban chỉ đạo chống dịch, hướng dẫn giáo viên, học sinh, sinh viên biện pháp phòng chống dịch, đóng cửa trường học khi cần thiết tránh lây lan. Khi có sự điều động của ban chỉ đạo chống dịch, có thể huy động học sinh, sinh viên tham gia tuyên truyền phòng chống dịch.

L.Anh

Triển khai các biện pháp khẩn cấp trong các cơ sở giáo dục

Bộ Giáo dục - đào tạo đã ban hành kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 trong các cơ sở giáo dục. Đây cũng là biện pháp để kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để, hạn chế tỉ lệ mắc và tử vong, góp phần giảm thiểu tối đa tác hại khi dịch cúm A/H1N1 xảy ra trong các cơ sở giáo dục.

Theo kế hoạch này, các ban chỉ đạo công tác y tế trường học sẽ được thành lập, kiện toàn trước ngày 15-8. Ban chỉ đạo các cấp gồm: ban chỉ đạo của Bộ Giáo dục - đào tạo; ban chỉ đạo của sở giáo dục - đào tạo; ban chỉ đạo của học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có nhiệm vụ chỉ đạo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục, trong đó có đại dịch cúm A/H1N1. Phối hợp với ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1 của tỉnh, thành phố, sở y tế và các cơ quan ban ngành của địa phương triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch cúm A/H1N1 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý.

N.T.

Đồng Nai: tạm đóng cửa một trường mầm non

Phóng viên Tuổi Trẻ đã trở lại ổ dịch tại ấp Việt Kiều (xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, nơi có 23 ca dương tính) ghi nhận người dân ở đây vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng khi ra đường thường đeo khẩu trang.

Tại Trường mầm non Suối Cát, bà Lê Thị Mỹ Linh - hiệu trưởng - cho biết sau khi phát hiện cháu Vũ Minh Nhật học ở trường bị lây bệnh từ người chị, trường kết hợp với cơ quan chuyên môn đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa huyện Xuân Lộc để cách ly theo dõi điều trị. Hiện các trường hợp bị cách ly chưa phát hiện có dấu hiệu bất thường, nhưng để đảm bảo an toàn cho trường, UBND huyện đã yêu cầu phải tạm đóng cửa Trường mầm non Suối Cát từ ngày 20 đến 25-7-2009. Ông Võ Hùng Cường, giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Xuân Lộc, cho hay sức khỏe của cháu Vũ Minh Nhật hiện đã ổn định và bác sĩ đang tiếp tục theo dõi. Cha của Nhật là ông Vũ Văn Miên có biểu hiện sốt, đã lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả.

Hà Mi

Theo Tuổi trẻ online
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video