Sau 6 tháng trồng thử nghiệm trên 52 ha, đến nay 100% diện tích lúa Một bụi đỏ gạo hồng đã cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha, tổng sản lượng lúa thu về hơn 280 tấn.
>>> Phát hiện giống lúa "chịu" được biến đổi khí hậu
Với năng suất và sản lượng này, Bạc Liêu khẳng định dự án sản xuất lúa Một bụi đỏ gạo hồng tại huyện Hồng Dân đạt kết quả cao, mang lại thành công, mở ra hướng sản xuất mới, giúp nhà nông tăng thu nhập trên cùng một diện tích sản xuất.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Hồng Dân, chất lượng và mẫu mã hạt lúa Một bụi đỏ gạo hồng có vượt trội hơn so với các loại lúa truyền thống. Về giá trị kinh tế, loại lúa và gạo này có giá cao hơn lúa Một bụi thông thường.
Trong khi đó, lúa gạo Một bụi thường đã cao hơn so với nhiều loại lúa đại trà của địa phương. Toàn bộ số lúa Một bụi đỏ gạo hồng thu hoạch vụ này sẽ giữ lại làm giống nhân rộng ra trong vụ tới.
Để có được giống lúa đặc sản này, Ủy ban Nhân dân huyện Hồng Dân đã đầu tư 800 triệu đồng cho công tác nghiên cứu khoa học, thu được 7kg lúa giống cấp tác giả.
Phó giáo sư, tiến sỹ Võ Công Thành (trường Đại học Cần Thơ), “cha đẻ” của giống lúa này cho biết: “Gạo Một bụi hồng là loại gạo quý hiếm ở Việt Nam. Theo kết quả phân tích chất lượng, gạo này cơm rất thơm ngon, bổ dưỡng, giàu chất sắt (Fe = 6.70mg/kg gạo). Ưu thế vượt trội của gạo còn có tác dụng bổ xương, bổ máu, chống ung thư. Loại giống lúa này chịu được độ mặn từ 8-10%o, rất phù hợp với đồng đất vùng chuyển đối sản xuất lúa - tôm ở Bạc Liêu".
Vụ mùa thành công trên, góp phần tạo bước đột phá trong việc chuyển đổi sản xuất ở vùng chuyển đổi của huyện Hồng Dân. Về lâu dài, khả năng vùng chuyển đổi của huyện Hồng Dân có thể quy hoạch thành vùng chuyên sản xuất và cung cấp giống lúa chịu mặn, cho các nơi khác trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, vụ mùa này còn tạo điều kiện thay đổi tập quán sản xuất và tăng thêm lợi nhuận cho nông dân, cũng như tiếp tục thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích sản xuất.
Huyện Hồng Dân có trên 20.000ha đất sản xuất lúa - tôm kết hợp. Khoảng tháng 9, 10 dương lịch hàng năm, ở khu vực này độ mặn tăng lên đến 10% nên lúa không sống được. Hàng ngàn hộ dân ở đây buộc phải nuôi tôm quanh năm dù biết rằng sản xuất độc canh rủi ro cao, thiếu bền vững.