Khói từ những trận sao băng có thể là nguyên nhân tạo nên những đám mây phát sáng trên tầng thượng quyển của trái đất.
Mây dạ quang (phát sáng vào ban đêm) xuất hiện ở độ cao từ khoảng 76 tới 85km trở lên ở phía trên hai địa cực vào những tháng mùa hè. Khác với những đám mây trắng gần bề mặt trái đất, mây dạ quang có màu xanh dương sáng do chúng chứa những tinh thể nhỏ xíu.
Một đám mây dạ quang trên bầu trời Canada vào tháng 5. (Ảnh: National Geographic)
James Russell - một nhà nghiên cứu khí quyển của Đại học Hampton tại bang Virginia, Mỹ - và các đồng nghiệp sử dụng những ảnh do vệ tinh AIM của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chụp trong 5 năm qua để tìm hiểu thành phần hóa học của những tinh thể băng từ những đám mây dạ quang. Nhóm chuyên gia phát hiện khói sao băng chiếm tới 3% khối lượng của mỗi hạt tinh thể, National Geographic đưa tin.
Số lượng mây dạ quang và tần suất hiện diện của chúng trên bầu trời tăng rõ rệt trong những năm qua, Russell nhận định.
“Tầng trên của khí quyển địa cầu đang thay đổi theo những cách mà chúng ta không thể hiểu đầy đủ. Mây dạ quang chẳng những xuất hiện nhiều hơn mà độ sáng của chúng cũng tăng và chúng cũng xuất hiện gần xích đạo hơn trước kia. Tôi nghi rằng khí metan đã gây nên những xu hướng đó”, Russell phát biểu.
Các nguồn phát thải khí metan bao gồm gia súc, con người, rác, nhà máy tinh chế nhiên liệu. Metan không chỉ là khí gây hiệu ứng nhà kính, mà còn làm tăng lượng hơi nước trong khí quyển khi nó bay tới đỉnh của tầng ozone - nằm cách bề mặt địa cầu khoảng 100km.
Do tác động của metan, lượng hơi nước trong khí quyển đã tăng 15% trong vòng 30 năm qua, còn độ sáng của mây tăng từ 20 tới 30%, tần suất xuất hiện tăng 5 lần.