Khi sao chổi Lovejoy bay đến gần Trái Đất vào hồi tháng một, các nhà khoa học ở Đài Thiên văn Paris, Pháp, đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng nó có chứa C2H5OH và CH2OHCHO, hai thành phần của rượu và đường, theo Quartz.
Công trình nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của nhà khoa học Nicolas Biver được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 23/10, trong đó liệt kê 21 phân tử hữu cơ được tìm thấy trên sao chổi Lovejoy. Đường và rượu là những phân tử chưa hề được phát hiện trên bất cứ sao chổi nào trước đây.
Sao chổi Lovejoy giải phóng lượng rượu tương đương 500 chai mỗi giây khi bay. (Ảnh: Welt).
"Chúng tôi phát hiện ra rằng sao chổi Lovejoy giải phóng lượng rượu tương đương 500 chai mỗi giây trong giai đoạn hoạt động mạnh nhất", ông Bider cho biết.
Sao chổi là tàn tích của các ngôi sao và hành tinh hình thành từ hàng tỷ năm trước đây, khi hệ Mặt Trời mới xuất hiện. Bởi vậy, các nhà khoa học cho rằng những sao chổi này là bằng chứng về lịch sử sơ khai của hệ Mặt Trời.
Theo các nhà khoa học, những sao chổi lang thang trong vũ trụ có chứa nhiều phân tử hữu cơ phức tạp. Họ đưa ra giả thuyết rằng chúng đã mang những phân tử này xuống hành tinh của chúng ta khi va chạm với Trái Đất hàng tỷ năm trước.
"Phát hiện này củng cố giả thuyết rằng sao chổi chứa những thành phần hóa học phức tạp. Khoảng 3,8 tỷ năm trước, khi nhiều sao chổi và thiên thạch đang oanh tạc Trái Đất và những đại dương đầu tiên xuất hiện, sự sống không thể khởi đầu một cách đơn giản với những phân tử như nước, khí CO hay N2O. Thay vào đó, sự sống phải là thứ gì đó phức tạp hơn ở cấp độ phân tử", nhà khoa học Stefanie Milam đến từ Trung tâm Phi hành Vũ trụ Goddard của NASA, đồng tác giả công trình nghiên cứu, nói.
Những phân tử hữu cơ này là nền móng cho sự sống, nên việc phát hiện chúng trên sao chổi là một dấu hiệu đáng chú ý cho thấy sự sống trên Trái Đất có thể bắt nguồn từ ngoài vũ trụ. Sao chổi Lovejoy sẽ tiếp tục hành trình trong vũ trụ và sẽ đến gần Trái Đất vào khoảng 8.000 năm sau.