Vào tháng 6 những người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh tượng sao Kim lướt ngang qua mặt trời. Sự kiện tương tự sẽ chỉ xảy ra sau hơn một thế kỷ nữa.
>>> Ozone trong khí quyển sao Kim
Space cho biết, ngày 5/6, quỹ đạo của sao Kim sẽ đưa nó lọt vào mặt trời và trái đất – hiện tượng mà giới thiên văn gọi là “sự di chuyển ngang qua mặt trời” (transit). Jay Pasachoff, trưởng khoa Thiên văn của Đại học Williams tại Mỹ, nói rằng khi hiện tượng đó xảy ra, sao Kim sẽ di chuyển ngang qua đĩa mặt trời và con người sẽ thấy nó dưới dạng một chấm đen di động. Chấm đen ấy sẽ chỉ tương đương với khoảng một phần nghìn diện tích đĩa mặt trời.
Pasachoff vừa chủ trì một hội thảo về sự di chuyển ngang qua mặt trời của sao Kim vào ngày 8/1 trong cuộc họp lần thứ 219 của Hiệp hội Thiên văn Mỹ.
Trong lịch sử con người mới chỉ chứng kiến cảnh tượng sao Kim di chuyển ngang qua mặt trời 6 lần vào các năm 1639, 1761, 1769, 1874, 1882 và 2004.
Con người tại hầu hết khu vực đông dân nhất trên hành tinh – từ châu Mỹ, châu Á, châu Âu tới châu Phi - có thể quan sát sự kiện sao Kim đi ngang qua mặt trời vào hôm 5/6. Theo Pasachoff, rất có thể hiện tượng tương tự chỉ xảy ra vào năm 2117.
Sự di chuyển của sao Kim ngang qua mặt trời được coi là một hiện tượng thần bí ở thời trung cổ. Người xưa đã sáng tác nhiều bài thơ, bài hát và bức tranh để mô tả hiện tượng đó.