Các nhà thiên văn học lần đầu tiên phát hiện ngôi sao lùn trắng có lớp ngoài cùng chứa 99,99% là khí oxy.
Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu đứng đầu là Souza Oliveira Kepler thuộc Đại học Liên bang Rio Grande do Sul, Brazil, quan sát ngôi sao lùn trắng SDSS J124043.01+671034.68 (Dox) có bầu khí quyển bên ngoài chứa hơn 99,99% oxy. Ngôi sao đặc biệt này chứa dấu vết của các nguyên tố neon (Ne), ma-giê (Mg), silic (Si), nhưng không có hydro và heli ở bề mặt. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science hôm 31/3.
"Ngôi sao lùn trắng này khiến chúng tôi rất ngạc nhiên. Chúng tôi chưa từng thấy ngôi sao nào giống nó trước đây", Kepler cho biết.
Hình minh họa một ngôi sao lùng trắng. (Ảnh: Sciencepics).
Khi ngôi sao tương đối nhỏ với khối lượng ít hơn Mặt Trời khoảng 10 lần, tiêu thụ hết nhiên liệu phản ứng hạt nhân, chúng sẽ mất dần lớp vật chất ngoài cùng và biến thành sao lùn trắng. Các nguyên tố nặng nhất thông thường rơi vào phần lõi đậm đặc dưới tác động của trọng lực, trong khi thành phần nhẹ hơn như hydro và heli di chuyển lên trên bề mặt sao.
Dox là ngôi sao duy nhất trong tổng số 32.000 ngôi sao lùn trắng con người biết đến có bầu khí quyển chứa gần như toàn bộ là khí oxy. Nhóm nghiên cứu chưa tìm ra nguyên nhân khiến các thành phần nhẹ hơn như hydro và heli biến mất. Nhưng theo giả thuyết của Kepler và đồng nghiệp, Dox là một phần của hệ thống sao nhị phân. Sự tương tác giữa Dox với một ngôi sao khác trong hệ thống khiến nó bị mất thành phần khí quyển bên ngoài, để lộ lớp "vỏ bọc" khí oxy bên dưới.
Giả thuyết khác liên quan đến những gì xảy ra ở bên trong ngôi sao, chẳng hạn một xung động lớn do quá trình đốt cháy carbon tại lõi của Dox bùng phát ra phía ngoài, làm biến mất các phân tử nhẹ trên bề mặt.
Việc khám phá ra Dox giúp các nhà khoa học hiểu biết thêm về sự tiến hóa sao, cũng như tác động của hệ thống sao nhị phân lên sự phát triển của những ngôi sao thành phần.