Tại vùng Trung và Nam Mỹ hiện đang có một quần thể dơi lớn, mang trên mình nhiều virus có thể lây được sang người.
Năm 2014, đại dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi, virus được xác định đã lây từ dơi sang người. Một năm sau đó, Zika bùng phát tại Nam Mỹ với virus ban đầu chỉ lây nhiễm trên khỉ. Các nhà khoa học bây giờ đang tự hỏi:
Virus nào sẽ gây ra đại dịch bệnh tiếp theo cho thế giới, và điểm bùng phát của nó là ở đâu?
Dự đoán được điều này sẽ giúp chúng ta khởi động trước những chiến dịch phòng chống dự phòng. Peter Daszak, nhà dịch tễ học tại tổ chức phi lợi nhuận EcoHealth Alliance cho biết: “Nếu chúng ta cho phép virus xâm nhập được vào con người, mọi chuyện đã quá muộn”.
Các nhà khoa học đang dự đoán đại dịch bệnh tiếp theo, có thể nó đã bắt đầu rồi mà chúng ta chưa biết.
Một số lượng cực kỳ lớn các loài virus chọn động vật làm ngôi nhà trú ẩn cho mình. Đôi khi, chúng “chuyển nhà” sang con người. Các virus này được gọi là “zoonoses”, gây ra bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người và ngược lại.
Sự lan truyền lệch loài xảy ra ở tần suất rất rất thấp. Nhưng một khi diễn ra, nó sẽ trở thành thảm họa. Hầu hết các đại dịch của thế giới, từ HIV, cúm gia cầm cho tới Zika đều bắt nguồn từ động vật.
Dịch bệnh nguy hiểm gần đây nhất, Ebola xảy ra sau khi virus lây lan được từ dơi sang người. Nó đã giết chết ít nhất 11.000 người ở Tây Phi, trước khi nhân loại kịp phản ứng và điều chế thành công vắc-xin chống virus.
Với mục đích dự đoán sớm các đại dịch trong tương lai Daszak và nhóm nghiên cứu đã sàng lọc các tài liệu nghiên cứu khoa học và xây dựng nên một cơ sở dữ liệu gồm 600 virus lây nhiễm cho 750 loài động vật có vú.
Cơ sở dữ liệu này cho ra các mô hình giúp Daszak tìm hiểu xem: Những đặc điểm và yếu tố nào hội tụ lại đã khiến virus có khả năng lây lan từ gia súc sang con người?
Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature chỉ ra một vài xu hướng rõ ràng. Chẳng hạn như những loài vật gần gũi với con người về mặt địa lý (ví dụ như chuột) và về mặt di truyền (ví dụ như động vật linh trưởng) sẽ dễ chia sẻ virus với chúng ta hơn.
Những loài động vật có thể mang nhiều loài virus, ví dụ như dơi thường có khả năng cao hơn gây bệnh cho con người. Cùng với đó, virus lây truyền qua muỗi sang động vật cũng dễ tấn công con người hơn.
Tiếp tục sử dụng các mô hình từ cơ sở dữ liệu, nhóm nghiên cứu lập ra được một bản đồ chứa nhiều địa điểm mà các loài zoonoses có thể đang lẩn trốn. Ví dụ, tại vùng Trung và Nam Mỹ đang có một quần thể dơi lớn, hoặc ở Bắc Mỹ là một quần thể các loài gặm nhấm có thể mang trên mình virus lây được sang người.
Những bản đồ kiểu này có thể dẫn đường cho các dự án phòng vệ sớm của con người. Chẳng hạn như dự án Global Virome, trong đó, các nhà nghiên cứu đang kêu gọi 3,4 tỷ USD để xác định 99% các loài virus có khả năng đe dọa con người trong tương lai.
“Ngay từ bây giờ, chúng ta đã luôn phải phòng vệ”, Barbara Han, nhà nghiên cứu sinh vật học đến từ Viện sinh thái Cary, Neww York cho biết. “Việc tìm ra dịch bệnh tiếp theo có thể sẽ bùng phát ở nơi nào rất quan trọng, bởi nó cho phép chúng ta nâng cao khả năng chiến thắng”.
Dự đoán được dịch bệnh cho phép phát triển trước các loại vắc-xin. Và nơi nó xảy ra giúp chúng ta chuẩn bị trước phương án ứng phó.
Các điểm nóng virus trong các loài động vật được nghiên cứu dự đoán.
Mặc dù vậy, một số nhà nghiên cứu cho biết chúng ta sẽ còn phải làm nhiều việc hơn nữa để biết chắc được tương lai. Việc dự đoán dịch bệnh không đơn giản là sàng lọc các virus có khả năng lây nhiễm từ động vật sang người.
James Lloyd-Smith, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết: Điều quan trọng nữa là phải tìm ra các yếu tố thúc đẩy virus lây lan trên diện rộng. Vậy thì nó phụ thuộc vào giai đoạn lây truyền từ người sang người nhiều hơn là từ động vật sang người, ông viết.
Đồng ý với điều này, Ronald Rosenberg, một chuyên gia nghiên cứu bệnh truyền nhiễm khác cũng cho biết: “Một virus không chỉ nhảy từ dơi sang người rồi gây ra cả một đại dịch”. Thay vào đó, virus đã phải mất hàng thập kỷ hoặc hàng thế kỷ nhảy qua nhảy lại giữa người và động vật.
Trước khi một số các yếu tố hội tụ đủ, dịch bệnh chưa thể bùng phát. Ngoại trừ trường hợp của các virus cúm, chúng có thể khiến dịch bệnh diễn tiến triển nhanh hơn.
Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là virus Zika, các nhà khoa học tìm thấy virus này trên khỉ vào năm 1947. Phải mất tới 60 năm sau, Zika mới có thể gây ra đợt bùng phát đầu tiên vào năm 2007 ở đảo Yap. Tiếp tục 10 năm nữa, nó mới gây ra được một đại dịch toàn cầu.
Cho tới tận thời điểm hiện tại, thế giới vẫn được tính là đã kiểm soát được virus Zika, mặc dù bị bất ngờ tại thời điểm dịch bệnh bùng phát. Bởi vậy, Lloyd-Smith và Rosenberg cho rằng một điều sát thực tế nữa là chúng ta phải theo dõi được thời điểm virus lây sang người.
Rosenberg đang thử nghiệm một hệ thống giám sát như vậy tại Uganda, bao gồm việc theo dõi những người thường xuyên tiếp xúc với động vật hoang dã, thiết lập phòng khám định kỳ ở các điểm nóng của virus, sàng lọc các bệnh nhân xem họ đang mắc bệnh thông thường hay là bệnh truyền nhiễm lạ.
Trong khi tất cả các nỗ nực này còn đang được thực hiện, một kịch bản bi quan hơn là thật ra đại dịch tiếp theo đã âm thầm bắt đầu từ lâu mà chúng ta chưa biết. Với quỹ thời gian khiêm tốn, tiền bạc ít ỏi và các công cụ bị giới hạn, các nhà khoa học không thể phát hiện ra từng cơn sốt của tất cả mọi người.
Chúng ta vẫn bỏ lỡ nhiều cơ hội tìm ra dấu vết của đại dịch tiếp theo.
“Chúng ta không có đủ thông tin để xác định dịch bệnh ngay tại thời điểm chúng bắt đầu lây nhiễm được trên người”, Rosenberg nói. “Chúng ta vẫn bỏ lỡ nhiều cơ hội [tìm ra dấu vết của đại dịch tiếp theo], rất nhiều cơ hội mỗi ngày”.
“Có một khoảng trống lớn trong việc này”, Daszak đồng ý. “Nhiều dịch bệnh bùng phát mà chúng ta đã không thể chấn đoán”. Bất kể một số nào trong đó cũng có thể trở lại thành đại dịch trong tương lai.
Tuy nhiên, cũng vì vậy mà ông đặt niềm hy vọng vào nghiên cứu của mình, với các bản đồ điểm nóng virus sẽ hỗ trợ các dự án giám sát trên người theo sau đó. Mặc dù dữ liệu không phá vỡ được rào cản tài chính dẫn tới việc phát hiện virus tốt hơn trên người, nhưng nó vẫn còn hơn là ngồi yên một chỗ.
“Nỗi sợ hãi nhất của tôi là chúng ta không làm gì cả, để rồi khi phát hiện ra virus thì chúng đã kịp nổi dậy và bất đầu giết người”, Daszak nói.