Siêu bão Mặt Trời gây ra cực quang trên Hành tinh Đỏ

Hãy hướng sự chú ý đến các ngôi sao và bạn sẽ không phải đợi lâu để nhìn thấy những cảnh tượng ngoạn mục. Một trong số đó chính là hiện tượng cực quang kỳ thú vừa xuất hiện ở trên Hành tinh Đỏ.

Sự kiện xảy ra do một đợt gió Mặt Trời cực mạnh quét qua sao Hỏa, khiến mức độ bức xạ của hành tinh này đạt đến đỉnh điểm. Chỉ số bức xạ ghi nhận được ở hành tinh Đỏ cao gấp 2 lần mức tối đa từng được đo bởi Thiết bị Phát hiện bức xạ (RAD) của tàu thăm dò Curiosity Rover.

Dòng ánh sáng cực quang ngoạn mục này có thể được quan sát từ Trái Đất, sao Hỏa và những hành tinh khác. Sở dĩ chúng ta có thể chiêm ngưỡng được hiện tượng này là do các hạt năng lượng cao bốc ra từ Mặt Trời tạo ra các từ trường hành tinh và gây ra phản ứng hóa học với các chất khí ở trong bầu khí quyển.

Nhà nghiên cứu Sonal Jain ở Trường Đại học Colorado - thành viên nhóm "Nghiên cứu bầu khí quyển sao Hỏa và Cách tiến hóa làm dễ bay hơi của chúng" (MAVEN) thuộc NASA, cho biết: vụ nổ năng lượng đặc biệt do Mặt Trời gây ra đã "làm sao Hỏa sáng bừng như một bóng đèn" với ánh sáng cực tím.

"Cực quang trên sao Hoả có thể bao phủ toàn bộ hành tinh Đỏ bởi vì sao Hỏa không có từ trường mạnh như Trái Đất để tập trung cực quang gần các vùng cực. Các hạt năng lượng từ Mặt Trời cũng có thể bị hấp thụ bởi bầu khí quyển phía trên, làm nhiệt độ tăng lên và làm bầu khí quyển phình to ra", nhà nghiên cứu Sonal Jain nói.

Tàu vũ trụ thăm dò sao Hỏa MAVEN đã theo dõi sự tương tác của gió Mặt Trời trên bầu khí quyển sao Hỏa từ năm 2014. Cùng với dữ liệu thu thập được từ tàu thăm dò Curiosity Rover, chúng ta đã có được một số thông tin quan trọng về các điều kiện trên sao Hỏa.

Nếu muốn cư ngụ trên hành tinh này, chúng ta cần phải biết thời gian và cách thức những sự kiện đầy kịch tính này xảy ra. Nếu chúng ta ở Trái Đất và quan sát hiện tượng cực quang trên sao Hỏa, nó thật sự rất tuyệt vời nhưng khi chúng ta ở sao Hỏa thì mọi thứ không còn tuyệt vời nữa. Đây giống như một buổi trình diễn bức xạ!


Hiện tượng cực quang trên sao Hỏa. (Ảnh: NASA).

"Nếu bạn ở đang đi dạo trên sao Hỏa và biết hiện tượng cực quang sắp xảy ra, chắc chắn bạn sẽ muốn tìm một nơi trú ẩn. Bạn cũng sẽ làm như vậy nếu bạn đang đi bộ bên ngoài không gian an toàn của Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS", ông Don Hassler, một trong số nhà nghiên cứu của RAD, nói.

"Để bảo vệ các phi hành gia trên sao Hỏa trong tương lai, chúng ta cần tiếp tục thực hiện những giám sát về tình hình thời tiết và kịp thời cập nhật những hiện tượng tương tự như vậy trên sao Hỏa”, ông cho biết thêm.

Mặc dù chúng ta được bảo vệ tốt hơn bởi từ trường của Trái Đất nhưng các nhà khoa học vẫn lo ngại rằng một cơn bão Mặt Trời lớn và kỳ quái có thể làm hư hại hầu hết các thiết bị liên lạc trên Trái Đất. Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất này, con người cần tiến hành thêm nghiên cứu về những sự kiện thời tiết trong không gian.

Trên thực tế, các nhà khoa học cho rằng, gió Mặt Trời chính là thủ phạm đã tước đi bầu khí quyển giống như Trái Đất của sao Hỏa cách đây hàng tỉ năm. Đây là một phát hiện khác được thực hiện bởi những dữ liệu thu thập được từ MAVEN.

Có một điều kì lạ là sự kiện giải phóng năng lượng Mặt Trời cực kì cao này lại diễn ra vào khoảng thời gian yên tĩnh trong chu kỳ 11 năm của Mặt Trời.

Hiện tại, các nhà khoa học của NASA đang cố gắng phân tích thật kĩ dữ liệu từ sự kiện này. Hiện tượng cực quang trên sao Hỏa có thể sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về không gian cũng như tìm ra phương pháp để đối phó với những sự kiện tương tự trong tương lai. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng sẽ biết được cấu tạo của bầu khí quyển trên sao Hỏa nhờ nghiên cứu hiện tượng này.

Nhà nghiên cứu Hassler nói: "Sự kiện sẽ cải thiện sự hiểu biết của chúng ta về cách mà những cơn bão Mặt Trời ảnh hưởng đến môi trường trên sao Hỏa, từ tầng trên của bầu khí quyển đến bề mặt của nó”.

Cập nhật: 07/10/2017 Theo khampha
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video