Siêu sóng thần cao 50m có thể từng càn quét sao Hỏa

Những cơn sóng thần với độ cao 50m có thể đổ bộ vào vùng đất liền trên sao Hỏa cách đây khoảng 3,4 triệu năm sau hai lần tiểu hành tinh va chạm.

Dù sao Hỏa ngày nay chỉ là thế giới khô cằn đầy cát bụi, nhiều bằng chứng chỉ ra hành tinh đỏ từng chứa một đại dương rộng lớn. Tuy nhiên, vấn đề vẫn khiến các nhà khoa học băn khoăn là bề mặt sao Hỏa thiếu đường bờ biển rõ ràng. Ranh giới phân chia giữa phần đất liền và đại dương dường như có khác biệt lớn về độ cao dọc theo chiều dài, theo New Scientist.


Sóng thần cao 50m từng diễn ra trên sao Hỏa. (Ảnh minh họa: Express).

Nhà nghiên cứu Alberto Fairén ở Trung tâm Sinh vật học Vũ trụ tại Madrid, Tây Ban Nha, và đồng nghiệp đã tìm ra câu trả lời. Họ lý giải đường bờ biển trên sao Hỏa được tái tạo lại bởi những trận sóng thần khổng lồ, để lại băng và đá nằm rải rác dọc theo một khu vực quy mô lớn. "Sóng thần là một trong những quá trình làm biến đổi đường bờ biển. Nghiên cứu của chúng tôi đưa ra phát hiện chính thức đầu tiên về sóng thần cổ đại trên sao Hỏa", Fairén cho biết.

Trong nghiên cứu công bố hôm qua trên tạp chí Scientific Reports, nhóm nghiên cứu sử dụng ảnh nhiệt từ tàu vũ trụ Mars Odyssey của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) để tìm hiểu ranh giới giữa đồng bằng Chryse Planitia ở vùng đất thấp và khu vực cao nguyên Arabia Terra của sao Hỏa. Họ nhận thấy những dòng băng và đá mòn chạy theo hướng dốc lên và trải rộng hàng trăm kilomet dọc theo cao nguyên. Chúng không thể ra đời từ các quá trình do trọng lực tác động.

Theo nhóm nghiên cứu, hai trận sóng thần riêng biệt có thể đã tạo ra các dòng chảy trên. Trận sóng thần đầu tiên vươn xa hơn, để lại dấu vết khi nước rút về biển, đem theo những khối đá mòn có đường kính hàng mét. Trận sóng thần sau đó xảy ra vào thời điểm thời tiết trên sao Hỏa lạnh hơn, không trải rộng và để lại lớp băng.


Ảnh nhiệt vùng Valles Marineris trên sao Hỏa. (Ảnh: NASA).

Các mô phỏng chỉ ra một tiểu hành tinh lớn đủ để tạo ra miệng hố rộng 30km đã kích hoạt sóng thần. Cột sóng cao khoảng 50m khi đổ vào bờ. Những cơn sóng tiến vào hòn đảo Sumatra của Indonesia trong trận động đất năm 2004 chỉ cao 30m, khiến 185.000 người thiệt mạng tại khu vực Ấn Độ Dương và là một trong số các thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất.

"Thật đáng chú ý khi xem xét kỹ hơn địa chất của sao Hỏa, chúng ta tìm thấy ngày càng nhiều bằng chứng chỉ ra nó từng có một đại dương", nhà nghiên cứu Taylor Perron ở Viện Công nghệ Massachusetts nói. Tuy nhiên, bằng chứng về sóng thần chưa chắc chắn, bởi những dấu vết lưu lại lớn hơn mọi đặc trưng tương ứng trên Trái Đất.

"Đây là một nghiên cứu đầy thách thức, vì không ai biết đường bờ biển trông như thế nào sau hàng tỷ năm và phải chờ xác nhận từ cộng đồng nghiên cứu sao Hỏa", Perron chia sẻ.

Cập nhật: 20/05/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video