Hôm nay 27/9/2019 đánh dấu một trong những sự kiện trọng đại của "gã khổng lồ công nghệ" Google: Sinh nhật Google lần thứ 21.
Trên giao diện trang chủ của mình phủ khắp gần như toàn thế giới, các nghệ sĩ Doodle của Google thiết kế hình ảnh kỷ niệm sinh nhật Google lần thứ 21 rất giản dị: Đó là bộ máy tính kèm ngày tháng ra đời của Google (ngày 27/9/1998) - một trong "Big Four" của thế giới.
Hình ảnh Doodle nhân dịp sinh nhật Google lần thứ 21. (Ảnh: Google Doodle).
Trên website Google Doodle, viết về ngày sinh nhật Google lần thứ 21 của mình, 'gã khổng lồ tìm kiếm' cũng chỉ nói vài dòng ngắn gọn, rằng:
Vào ngày này cách đây 21 năm, hai nghiên cứu sinh đã có bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford (California, Mỹ) là Larry Page và Sergey Brin đã công bố bài viết ra mắt nguyên mẫu của một "công cụ tìm kiếm quy mô lớn".
"Chúng tôi đặt tên cho 'công cụ tìm kiếm quy mô lớn' này là Google bởi vì đó là một cách viết của "googol", hoặc 10100 (là một số tự nhiên rất lớn, có một trăm chữ số 0 theo sau chữ số 1). Cái tên này phù hợp với mục tiêu của chúng tôi là xây dựng công cụ tìm kiếm quy mô rất lớn đầu tiên trên thế giới" - Larry Page và Sergey Brin - 'Cha đẻ' Google cho biết.
Tính cho đến nay, sau 21 năm ra đời và phát triển, Google Tìm kiếm đã có mặt trên toàn cầu với hơn 100 ngôn ngữ, trả lời hàng nghìn tỷ truy vấn tìm kiếm mỗi năm.
Chúc mừng sinh nhật lần thứ 21, Google!
Phạm vi tiếp cận Google Doodle ngày 27/9/2019. (Nguồn: Google Doodle).
2 năm trước khi đổi tên sang Google, Larry Page và Sergey Brin đặt tên cho công cụ tìm kiếm là Backrub (Gãi lưng). Năm 1998 là thời điểm World Wide Web vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng cả Larry Page và Sergey Brin đã hướng đến mục tiêu đưa Google trở thành website có thể truy cập và hữu dụng trên toàn cầu.
Mặc dù ban đầu bị lu mờ bởi các "công cụ tìm kiếm" đối thủ như Yahoo và Ask Jeeves, Google đã vươn lên phát triển để trở thành một trong những website phổ biến nhất thế giới, với công ty mẹ là Alphabet Inc trị giá khoảng 137 tỷ USD năm 2018, Independent thông tin.
Là một trong 'Tứ đại quyền lực - Big Four' trong làng công nghệ hiện đại của thế giới (cùng với Amazon, Apple và Facebook), Google đã cung cấp một chuỗi các ứng dụng thịnh hành:
Ngoài công cụ tìm kiếm cốt lõi của Google (Google Tìm kiếm), 'gã khổng lồ công nghệ' này còn cung cấp các dịch vụ được thiết kế cho công việc và năng suất (Google Docs, Google Sheets và Google Slides), email (Gmail/Inbox), lập lịch và quản lý thời gian (Lịch Google), lưu trữ đám mây (Google Drive), mạng xã hội (Google+), nhắn tin và trò chuyện video trực tiếp (Google Allo, Duo, Hangouts), dịch ngôn ngữ (Google Dịch), lập bản đồ và điều hướng (Google Maps, Google Earth, Chế độ xem phố), chia sẻ video (YouTube), ghi chú (Google Keep) và tổ chức và chỉnh sửa ảnh (Google Ảnh)...
Larry Page (trái) và Sergey Brin - "Cha đẻ" Google. (Ảnh: CNBC).
"Don't be evil" là khẩu hiệu trong bộ quy tắc ứng xử của Google. Tạm dịch là "Đừng trở nên xấu xa", khẩu hiệu này nhắc nhở nhân viên Google vào cách họ phục vụ người dùng của mình trên toàn thế giới.