Một loại ký sinh trùng trong não có thể khiến bạn không thể kiểm soát được cơn cáu giận, lúc nào cũng như muốn bùng nổ.
Ai chả có lúc cáu giận, thiếu kiểm soát đúng không? Tuy nhiên, nếu như bạn thường xuyên mất kiểm soát, để cho "cái miệng đi xa" cùng hành vi bạo lực diễn ra với tần suất lớn thì vấn đề không còn đơn giản nữa rồi.
Theo các nhà khoa học từ Đại học Chicago (Mỹ), những người thường xuyên mất kiểm soát về hành vi có thể đang mắc phải hội chứng rối loạn bùng nổ liên tục (Intermittent Explosive Disorder - IED). Và một trong những nguyên nhân gây nên hội chứng này có thể đến từ một loại ký sinh trùng trong não người, mang tên "trùng cong" - toxoplasma gondii.
Sinh vật này có thể là nguyên nhân khiến 30% dân số thế giới cáu giận cả ngày.
Loài ký sinh trùng này tương đối phổ biến. Vật chủ của T.gondii vốn là mèo, nhưng nó có thể lây lan sang các loài thú khác - tất nhiên là cả con người. Theo thống kê, có khoảng 30% dân số thế giới đang có sinh vật này trong não.
Thông thường, T.gondii không gây ra tác hại gì đối với người trưởng thành. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên các nhà khoa học nhận thấy sự liên hệ giữa chứng rối loạn IED và loài ký sinh trùng này.
Cụ thể hơn, các xét nghiệm trên 358 người mắc IED cho thấy có tới 22% nhiễm trùng cong. Hơn nữa, những người này có mức rối loạn cao hơn hẳn so với người không nhiễm.
Sinh vật này có thể là nguyên nhân khiến 30% dân số thế giới cáu giận cả ngày.
Theo tiến sĩ Emil Coccaro - chủ nhiệm nghiên cứu - thì hiện vẫn chưa rõ T.gondii là nguyên nhân gây ra IED hay ngược lại, hoặc cả hai có quan hệ qua lại với nhau. Tiến sĩ cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ký sinh trùng toxoplasma có thể gây ra các phản ứng sinh hóa trong não, đồng thời tăng cường các hành vi bạo lực ở người".
T.gondii lây truyền từ mèo sang người khi ăn thịt chưa nấu kỹ, uống nước bị nhiễm khuẩn, hoặc do tiếp xúc với phân mèo. Dù chưa có các bằng chứng xác thực, nhưng T.gondii được cho là có liên quan đến căn bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực trong một số trường hợp.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Psychiatry.